Ấn tượng đẹp ở chùa Viên Quang

08:00 | 27/02/2016

1,420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dẫu có hàng vạn Phật tử đến lễ bái nhưng chùa Viên Quang (Nam Thanh - Nam Đàn, Nghệ An) không có cảnh chen lấn xô đẩy, không vàng mã, không rượu thịt, không tiền lẻ, không xả rác bừa bãi… Với bao nhiêu cái “không” đó đã làm nên giá trị thật sự của buổi lễ Cầu Quốc thái dân an tại chùa.   

Như một nhân duyên, chúng tôi được mời tới tham dự buổi lễ Cầu Quốc Thái Dân An tại Chùa Viên Quang - ngôi chùa mới được trùng tu từ một ngôi cổ tự trên mảnh đất Nam Thanh - Nam Đàn quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực sự, cảm giác trong tôi là sự hào hứng xen lẫn băn khoăn khi được mời đến nơi đây. Lý do là vì sau Tết, báo chí truyền thông đã phản ánh quá nhiều về mặt trái của các lễ hội. Nào là sự quá tải về số lượng người tham gia dẫn đến phát sinh tiêu cực như nạn chặt chém du khách trong các loại hình dịch vụ, nạn mê tín dị đoan, đốt vàng mã quá nhiều, thịt thú rừng bày bán công khai ở ngay gần các đình, chùa – nơi có lễ hội, hay nạn trộm cắp, say rượu, ẩu đả, mất vệ sinh môi trường và tranh cướp lễ vật…

tin nhap 20160226144928
Lễ cầu Quốc thái dân an tại chùa Viên Quang

Nhưng chúng tôi vẫn lên đường và giữ nguyên sự hào hứng, cũng như lòng tin của mình.

Trải qua hơn 300 km từ Hà Nội, chúng tôi đặt chân tới trước cửa chùa Viên Quang. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi không phải là sự đón tiếp nồng hậu của các quý Sư và Phật tử tại chùa, mà chính là sự ngăn nắp, nề nếp và sạch sẽ. Không hề thấy những hàng quán chen chúc, ồn ào bên ngoài mà chỉ thấy một bãi đỗ xe rất rộng không thu phí nhưng vẫn có người chỉ dẫn và sắp xếp chu đáo.

Bước vào bên trong chùa, ngôi Chánh điện mới được trùng tu thực sự khang trang và rộng, không gian ở đây không bị hạn chế bởi những kèo cột, mà chỉ có duy nhất một bức tượng đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Điều đặc biệt là chúng tôi được nghe nói ngay cả bức tượng này cũng làm bằng chất liệu composit và cả ngôi Chánh điện này không có một chi tiết nào làm bằng gỗ. Việc này xuất phát từ lời dạy của Sư trụ trì ngôi chùa, về đạo đức yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Trong khuôn viên chùa, có nhiều bức phướn nhỏ mang nội dung khơi gợi lòng yêu nước và những câu đạo lý nhắc nhở Phật tử. Vào ngày diễn ra buổi lễ chính thức, theo thông báo của ban tổ chức thì sẽ có khoảng 1,5 vạn Phật tử về dự lễ. Vừa nghe con số ước lượng này, nhiều người không khỏi băn khoăn. Thế rồi từ trước 7 giờ sáng cho đến quá trưa, từng đoàn xe nườm nượp đổ về chùa.

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu tại sao một ngôi chùa ở nơi khá hẻo lánh, không mấy tiếng tăm mà lại đông người về dự lễ đến vậy. Nhưng rồi đến hết ngày chúng tôi cũng tìm được câu trả lời cho mình – đó chính là vì cách tổ chức, vì đạo lý và vì sự linh thiêng có thật ở nơi đây. Tất cả đại biểu và quần chúng tham dự buổi lễ đều khởi được tấm lòng chân thành hướng về Đức Phật, về những vị hiền Thánh và hướng về Tổ quốc.

Mở đầu buổi lễ Sư trụ trì – Thượng tọa Thích Chân Quang ban bố đạo từ, nói về ý nghĩa của việc Cầu Quốc Thái Dân An. “Những ngày đầu xuân, trong không khí thiêng liêng của Tết cổ truyền dân tộc, lúc mà con người đang hướng về những điều nghĩa tình, văn hoá và tâm linh thì ta cùng về đây với nhau, cùng dâng lên lời cầu nguyện  cho quê hương đất nước ta được bình yên, hạnh phúc, được phát triển, cho đồng bào ta được ấm no, đoàn kết, hoà hợp. Những lời cầu nguyện thiết tha vượt khỏi sự ích kỷ tầm thường thực sự sẽ lay động được trái tim của thần thánh trên cao phù hộ, độ trì cho đất nước này được bình yên – thịnh vượng…”, Thượng tọa nói.

Buổi lễ thật nghiêm trang và xúc động khi mọi người được chứng kiến hình ảnh các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo chính quyền địa phương cùng quỳ lạy trước bàn thờ Quốc tổ và dâng lên lời nguyện cầu cho quê hương, đất nước.

Không ồn ào, không vàng mã, không thu phí, không rượu thịt, không tiền lẻ, không xả rác bừa bãi… Với bao nhiêu cái “không” đó đã làm nên một điều giá trị - đó chính là sự thành công của buổi lễ: có sự thành kính, có đạo đức, có đạo lý, có linh thiêng và quan trọng là có niềm vui – sự hoan hỉ thực sự trong lòng mỗi người tham dự.

Phật tử đến chùa đầu năm lại được các quý Sư tận tay lì xì, trong mỗi phong bao lại kèm tặng theo một câu đạo lý sống cùng những lời chúc ý nghĩa. Quả thật những điều nhỏ bé, tưởng chừng đơn giản ấy đều đem lại cảm giác hạnh phúc – an lạc cho mỗi người tham dự.

Theo ước tính, một năm ở Việt Nam có tới khoảng 8.000 lễ hội, mà lễ hội nào cũng được tổ chức tốt như lễ hội nơi đây thì thật hạnh phúc và tự hào biết mấy.

Chúng tôi trở về thủ đô trong niềm hạnh phúc nhẹ nhàng và bình an đến lạ, văng vẳng bên tai câu hát được phổ nhạc từ bài thơ của một vị thiền sư: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”…

Trần Hưng