An toàn thực phẩm: Bắt đầu từ... người nông dân

16:10 | 23/11/2015

276 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một chuyên gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp nói rằng, nếu siết chặt quản lý thì nông dân buộc phải làm theo, từ đó mới có thể sản xuất ra những thực phẩm an toàn.

An toàn thực phẩm đang được xem là “tử huyệt” của ngành nông nghiệp Việt Nam. Hàng loạt các phát hiện về chất cấm, chất tạo nạc, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… thực sự gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

nan thuc pham ban can siet chat quan ly nguoi nong dan
Người tiêu dùng đau đầu vì bị thực phẩm bẩn "bủa vây"

Riêng trên địa bàn Hà Nội, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, với gần 10 triệu dân, mỗi ngày Hà Nội cần tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau quả các loại… Tuy nhiên, sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 69% nhu cầu thịt, 32% nhu cầu cá, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Gần 30% còn lại là nhập từ các tỉnh, thành khác về.

Điểm đáng lưu ý, hầu hết thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết “nạn” thực phẩm bẩn, giúp người tiêu dùng được mua và sử dụng những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, chỉ có một cách duy nhất là siết chặt quản lý từ quản lý người nông dân cho tới người thực thi pháp luật.

“Nếu quản lý siết chặt thì nông dân buộc phải làm theo, từ đó mới có thể sản xuất ra những thực phẩm an toàn. Mình cũng cần phải kêu gọi bà con nông dân thức tỉnh, đổi mới tư duy, phải học và biết được phương cách làm nông nghiệp công nghệ cao để bảo vệ cho mình và cộng đồng. Đồng thời, phải tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường và tăng hình thức xử phạt lên”, vị giáo sư nói.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng khẳng định, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực sự làm ăn chân chính biết để làm, thiết lập kênh phân phối nông sản an toàn; chỉ rõ địa chỉ an toàn để người dân được biết, mua sản phẩm an toàn và yên tâm khi các cơ quan nhà nước nói là an toàn. Đồng thời, phải phát hiện, xử lý gắt gao vi phạm, đấu tranh với các hành vi nghiêm trọng, đặc biệt là sử dụng chất cấm và thuốc độc hại đã cấm.

P.V