Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đánh nhau như hồi năm 1962?

07:00 | 20/07/2016

5,493 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm qua, 19/7, Ấn Độ đã điều gần 100 chiếc xe tăng (loại tăng T-72 do Liên Xô chế tạo trước đây) tới khu vực Ladakh ở miền đông nước này, biên giới với Trung Quốc, và theo dự kiến sẽ sớm triển khai thêm nhiều xe tăng tới đây.
tin nhap 20160719231358
Người dân Ấn Độ được huấn luyện quân sự để tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1962

Hãng tin Ấn Độ NDTV cho biết vì lý do chiến lược và an ninh nên không thể xác định chính xác vị trí nhưng khẳng định những chiếc xe tăng này được triển khai chỉ cách biên giới Ấn - Trung vài km. Cách đây vài tháng, Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện kế hoạch điều động 2 trung đoàn xe tăng tới khu vực này. Lần gần đây nhất mà Ấn Độ sử dụng xe tăng tại khu vực này là trong cuộc chiến tranh Trung - Ấn vào năm 1962.

Một sĩ quan cấp cao của quân đội Ấn Độ cho biết: "Các thung lũng bằng phẳng dọc theo triền núi giúp xe tăng di chuyển dễ dàng. Bên cạnh đó số lượng binh sĩ cũng sẽ được tăng cường dọc theo biên giới".

Tuy vậy, việc duy trì hoạt động của xe tăng tại khu vực có địa hình cao như vậy không hề dễ dàng. Đại tá Vijay Dalal, người chỉ huy đơn vị xe tăng này nói rằng ở độ cao 4.250 m so với mực nước biển, không khí loãng và nhiệt độ có khi xuống tới -450 C ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của xe tăng. Quân đội Ấn Độ phải sử dụng các loại dầu bôi trơn và nhiên liệu đặc biệt để duy trì hoạt động bình thường cho xe tăng, đồng thời phải cho xe khởi động làm nóng ít nhất 2 lần mỗi đêm.

Theo NDTV, Trung Quốc trong thời gian qua đã nhiều lần có hoạt động xâm nhập các chốt biên phòng dọc biên giới Ấn - Trung. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng cường đầu tư phát triển các tuyến đường và đường băng gần biên giới khiến Ấn Độ lo ngại. NDTV cho rằng việc điều động nhiều xe tăng tới sát biên giới là hành động nhằm khẳng định chủ quyền của Ấn Độ và sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa từ bên kia biên giới.

Được biết, xung đột biên giới Trung - Ấn có một lịch sử đã hơn nửa thế kỷ. Năm 1962, giữa hai nước đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 1 tháng ngay tại nơi này (khu vực Ladakh).

Nguyên nhân chính của cuộc chiến là việc tranh chấp khu vực biên giới Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, mà Trung Quốc gọi là khu vực Nam Tây Tạng. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như hàng loạt các cuộc xung đột biên giới diễn ra sau khi Trung Quốc dùng vũ lực thôn tính Tây Tạng năm 1959 (mà các nước ngoài hệ thống XHCN, trong đó có Ấn Độ, coi là bất hợp pháp), và việc Ấn Độ trao quy chế tị nạn chính trị cho Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc đó. Ngay sau sự kiện Tây Tạng, Ấn Độ đã thực hiện chính sách tăng cường an ninh biên giới với Trung Quốc, thiết lập một hệ thống tiền đồn dọc biên giới, gồm cả một số vị trí nằm ở những vị trí mà Trung Quốc tuyên bố là của mình.

Cuộc chiến bắt đầu nổ ra vào ngày 20/10/1962, , trùng hợp với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Quân Trung Quốc đồng loạt mở các cuộc tấn công tại Ladakh và một số điểm dọc theo tuyến biên giới dài hơn 3.500 km với Ấn Độ. Quân Trung Quốc tràn qua các vị trí của quân Ấn Độ, đánh chiếm được một số cứ điểm trọng yếu. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngưng bắn vào ngày 20/11 và rút khỏi phần lớn các khu vực chiếm được.

Cuộc chiến tranh Trung Ấn đáng chú ý vì đây là cuộc chiến sơn cước quy mô lớn ở độ cao trên 4.250 mét, đặt ra nhiều vấn đề hậu cần nan giải cho cả hai bên tham chiến. Trong cuộc chiến này, cả hai bên đều không sử dụng không quân.

Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã nhận trách nhiệm trước nhân dân là đã không tiên liệu âm mưu tấn công xâm lấn đầy xảo quyệt của Trung Quốc.

Thiện Tâm

RIA Novosti