Ấn Độ: Trao “quyền con người” cho sông Hằng và sông Yamuna

22:24 | 22/03/2017

1,545 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 20/3, Tòa án tối cao bang Uttarakhand tại miền bắc Ấn Độ đã quyết định trao “quyền con người" cho 2 dòng sông linh thiêng nhằm bảo vệ chúng trước nạn ô nhiễm môi trường. Sông Hằng là một trong những con sông ô nhiễm nhất trên thế giới hiện nay.
an do trao quyen con nguoi cho song hang va song yamuna
Tình trạng ô nhiễm ở sông Hằng

Bằng cách trao quyền con người cho một dòng sông, Ấn Độ muốn người dân nhận thức trách nhiệm cao hơn với môi trường. Tòa án bang Uttarakhand muốn dùng biện pháp này để bảo vệ hai trong bảy con sông linh thiêng nhất Ấn Độ là sông Hằng và sông Yamuna (nhánh chính của sông Hằng). Nước sông sau khi được xử lý ô nhiễm sẽ là nguồn nước sinh hoạt cho gần 19 triệu dân.

Con sông được trao quyền như một thực thể sống và được pháp luật bảo vệ trước những hành vi gây hại của con người. Cụ thể, hành vi gây ô nhiễm sẽ được quy kết vào tội gây tổn hại cho người khác. Ngoài ra, tòa án cũng ra chỉ thị thành lập một ban giám hộ để bảo vệ nguồn nước của con sông trong vòng 3 tháng tới.

Quyết định này đã nhận được nhiều phản hồi đa chiều. Luật sư Pant, người chuyên xử lý tranh chấp giữa nhà nước và môi trường, nhận xét: "Việc này sẽ giúp bảo vệ các con sông, chúng đã nhận được quyền lợi như chính con người, trong đó có quyền được sống". Chuyên gia lập kế hoạch quản lý đường thủy, ông Rohilla chia sẻ: "Đây là nghĩa vụ pháp lý của người dân để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bao gồm những con sông". Còn kỹ sư Himanshu Thakkar lại đặt ra nghi vấn về hiệu quả của quyết định này: "Chúng ta không thể ngăn được ô nhiễm ngay tức thì. Vì vậy, hậu quả của luật này còn khá mơ hồ".

Trong những ngày gần đây, nhiều tòa án ở khắp nơi trên thế giới đã liên tiếp ra nhiều quyết định để bảo vệ sông ngòi. Trước Ấn Độ, New Zealand tuyên bố sông Whanganui là một thực thể sống và chỉ định hai người giám hộ nhằm bảo vệ lợi ích của nó.

Sông Hằng - một thách thức chính trị

Sông Hằng là nguồn nước cho 500 triệu người, chảy dài 2.500 km quanh dãy Himalaya ở miền bắc Ấn Độ, băng qua Bangladesh trước khi đổ vào vịnh Bengal. Tại Ấn Độ, bảy con sông có ý nghĩa cực kỳ linh thiêng đối với các nghi lễ tôn giáo. Nước sông là nơi tro cốt của người chết tìm về vòng luân hồi. Sông Hằng cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc hành hương.

Không may là ngày nay, sông Hằng lại được biết đến là một trong những con sông ô nhiễm nhất trên thế giới, đây là cái giá mà Ấn Độ phải trả cho sự phát triển kinh tế. Hàng tấn nước thải và rác thải được đổ ra sông mỗi ngày, chỉ riêng hành trình chảy qua 5 bang (Uttarakhand, Uttar Pradesh, Bihar, Jharkhand và Bengal) đã cuốn theo được 3 tỉ lít nước thải mỗi ngày.

Ô nhiễm gấp 3.000 lần cho phép của WHO

50 nhà máy xử lý nước thải tại Ấn Độ chỉ có thể giải quyết được một phần ba lượng nước thải, và số còn lại được đổ vào sông Hằng, các nhánh của sông bị ô nhiễm ngày càng nặng. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) xếp sông này vào danh sách 10 sông bị đe dọa nhất thế giới. Và theo WHO, mức độ ô nhiễm của sông Hằng gấp 3.000 lần mức cho phép. Hậu quả là nhiều mầm bệnh được sinh ra như viêm gan, dịch tả,...

Kể từ năm 1983, nhiều thế hệ lãnh đạo Ấn Độ chi tổng cộng 4 tỷ USD để giải quyết ô nhiễm. Suốt 30 năm qua, nhiều dự án đã được tiến hành, gồm "Ganga action plan", "Gap 2" và "Ganga mission". Nhưng hiện nay, số lượng các nhà máy xử lý nước thải và nhà hỏa táng bằng điện vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu cần thiết. Sau khi được bầu vào năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã từng hứa sẽ trả lại nguyên trạng cho dòng sông linh thiêng này.

Th.Long