Ấn Độ bước đầu thành công với Make in India

19:16 | 12/02/2017

1,174 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi lên cầm quyền vào tháng 5-2014, Thủ tướng Modi đề ra mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một căn cứ công nghiệp, tạo đà cho tăng trưởng tại nước đông dân thứ nhì thế giới, giải quyết công việc làm cho 12 triệu thanh niên hàng năm bằng chính sách mang tên “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ). Sau hơn 2 năm, chính sách này đã bước đầu gặt hái được thành công.  

Chiến dịch do Thủ tướng Modi phát động đã xác định 25 lĩnh vực, từ hàng không, quốc phòng đến sản xuất ôtô, phát triển du lịch, bệnh viện… để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm mục tiêu phát triển đất nước Ấn Độ.

Để làm được điều này, Chính phủ New Delhi đề ra hai bước. Thứ nhất là tinh giảm các thủ tục hành chính. Thủ tướng Narendra Modi cam kết thực thi những chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Từ năm 2014, nội các của ông Modi đã đề xuất nhiều biện pháp quan trọng như quyết định đồng nhất tỷ lệ thuế VAT (giá trị gia tăng) trên toàn quốc hay mở cửa đón các luồng vốn đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là trong ngành đường sắt, xây dựng và ngành bảo hiểm, hay trong một lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ quốc phòng. Chỉ riêng đối với các tập đoàn sản xuất trang thiết bị quân sự chẳng hạn, New Delhi cho phép các doanh nghiệp ngoại quốc nắm giữ đến 49% vốn với các công ty liên doanh thay vì 26% như trước đây.

an do buoc dau thanh cong voi make in india
Chiến dịch Make in India của Thủ tướng Ấn Độ Modi bắt đầu nhận trái ngọt

Bước thứ hai đầy tham vọng và phức tạp hơn, đó là cải thiện cơ sở hạ tầng. Chính sách “Make in India” phải hình thành được 6 trục công nghiệp với hàng trăm thành phố thông minh và các khu công nghiệp nằm dọc theo những tuyến đường sắt tốc độ cao.

Trước khi khởi động chiến dịch này, đất nước Ấn Độ của ông Modi bị xem là một trong những địa điểm khó vào kinh doanh nhất trên thế giới. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2014, Ấn Độ bị đẩy xuống hạng thứ 142 trên tổng số 189 quốc gia. Để giải quyết điều này, trong suốt hai năm qua, ông Modi đã đặc biệt sử dụng kênh ngoại giao để cải thiện hình ảnh của Ấn Độ, để thuyết phục các nhà đầu tư ngoại quốc và cả cộng đồng người Ấn sống ở hải ngoại bỏ vốn vào quê hương ông.

Tính tới cuối tháng 7-2015, Thủ tướng Ấn Độ đã công du 20 quốc gia, từ những cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nhật đến những đối tác trung bình, như Pháp, Australia, Canada (và ông đã không quên những nước láng giềng trong khu vực như Bhoutan, Sri Lanka hay kể cả những hòn đảo tí hon trong vùng Ấn Độ Dương) để rao giảng về chiến dịch “Make in India”. Trước đây chưa một lãnh đạo Ấn Độ nào “chăm chỉ” đi công tác nước ngoài như ông Modi.

Chẳng vậy mà khi đến bất cứ nơi nào, Thủ tướng Ấn luôn dành thời gian để nói chuyện với các doanh nhân của nước sở tại. Ông đã gặp riêng lãnh đạo các tập đoàn lớn như Sony, Mitsubishi, Toyota… của Nhật để tìm hiểu về thế giới của các tập đoàn điện tử. Khi đến Mỹ, lãnh đạo Ấn Độ dùng ngôn ngữ của tin học để nói chuyện với các ông chủ của những hãng như IBM, Google… Đến Australia, cũng ông Modi đã nhấn mạnh đến nhu cầu của Ấn Độ về quặng mỏ. Còn với Pháp thì hồ sơ năng lượng hạt nhân dân dụng là chủ đề chính khi Thủ tướng Modi hội kiến Tổng thống François Hollande. Với Trung Quốc, vừa là một đối tác kinh tế nhưng cũng là một đối thủ đáng gờm của New Delhi, thì ông Modi đã tỏ ra hết sức tinh tế và rất nhã nhặn trong những cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Tập Cận Bình. Bởi theo như đánh giá của các chuyên gia, Ấn Độ không chủ trương đối đầu, nhưng cũng đủ cứng rắn để đứng ngoài vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh.

Ngoài kênh ngoại giao, Thủ tướng Modi còn khai thác lá bài quan trọng khác ông đang có trong tay: cộng đồng với 27 triệu dân Ấn sống ở hải ngoại. 1% dân Mỹ là những người gốc Ấn. Trong mắt ông, mỗi người con ít nhiều gắn bó với sông Hằng là một vị sứ giả để văn minh Ấn Độ được tỏa sáng. Nhưng quan trọng không kém là họ có tiềm năng rót vào Ấn Độ đến 70 tỉ USD.

Với sự đồng lòng của cả một bộ máy từ trên xuống dưới, chiến dịch “Make in India” của Ấn Độ bắt đầu thu được kết quả khả quan. Bài “Kế hoạch Make in India đã có những kết quả đầu tiên” của Tạp chí kinh tế Pháp Les Echos ra ngày 4-10-2016 mở đầu với câu hỏi: Sau khi nhấn chìm Ấn Độ trong biển giày dép, đèn, đồ chơi và đủ loại hàng hóa tiêu dùng khác, phải chăng sẽ đến lượt Trung Quốc bị các sản phẩm Ấn Độ chinh phục? Báo động của Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc (trước đó một tuần), được báo chí Ấn Độ đăng tải rộng rãi, có đoạn: “Bắc Kinh cần phải xem xét một nguy cơ rất có thể trở thành hiện thực là Trung Quốc sẽ mất nhiều việc làm, nếu các tập đoàn điện thoại di động chuyển cơ sở sang Ấn Độ”.

Dù hiện tại chưa phải một làn sóng di chuyển ồ ạt, mà chỉ là một đợt sóng nhẹ, nhưng có thể nói chương trình “Make in India” đã kéo được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Ví dụ như Hãng Hoa Vi (Huawi) hồi đầu tháng 10 vừa qua đã khánh thành một cơ sở sản xuất tại miền Nam Ấn Độ. Hãng điện thoại di động Trung Quốc có tham vọng sản xuất tại Ấn Độ 3 triệu chiếc từ đây tới năm 2017. Hoa Vi cũng nối tiếp Xiaomi, với việc sản xuất ngay tại Ấn Độ những phụ kiện, trước đây vốn được nhập từ Trung Quốc.

Năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư vào Ấn Độ gấp 6 lần so với năm 2014, với số tiền là 870 triệu USD. Tuy nhiên, số đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm 2,2% của tổng số 32 triệu USD năm 2015 (tăng 26% với năm trước). Rõ ràng là Trung Quốc không muốn để bị chậm chân so với rất nhiều tập đoàn điện tử tin học quốc tế như GE, Siemen, Vodafone, Google hay Microsoft.

Theo Ngân hàng Nhật Japan Bank for International Cooperation (JBIC), Ấn Độ giờ đây đang trở thành một trong các hướng ưu tiên của vốn FDI. Riêng trong tháng 9-2016, đơn đặt hàng các sản phẩm tại Ấn Độ tăng với tỷ lệ cao nhất trong vòng 14 tháng, bất chấp việc chỉ số sản xuất công nghiệp PMI hạ xuống 52,1 (so với 52,6 của tháng 8).

Tuy nhiên, Báo Le Monde (Pháp) nhận thấy là giấc mơ hóa rồng của “voi Ấn Độ” là cả một hành trình dài. Theo các nhà kinh tế, để đạt mục tiêu tạo được 12 triệu việc làm, từ nay đến năm 2025, Ấn Độ phải loại bỏ được các yếu tố kìm hãm nền công nghiệp địa phương, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, lãi suất cho vay quá cao. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn phải đối mặt với tình trạng khó khăn về mặt thủ tục hành chính, nhân công dồi dào nhưng thiếu tay nghề, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém.

Tất cả những yếu kém đó không thể giải quyết trong một hay hai nhiệm kỳ thủ tướng. Jean-Luc Racine, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Asia Centre tại Pháp, giải thích: “Thực ra sự yếu kém của ngành công nghiệp Ấn Độ là một vấn đề đã kéo dài từ cả hàng chục năm nay và mọi người đều ý thức được điều ấy. Nhưng không một ai biết phải làm gì để khắc phục nhược điểm đó. Trong nhiều thập niên đã có không biết bao nhiêu dự án gọi là để vực dậy nền công nghiệp Ấn Độ nhưng chẳng có dự án nào được thực hiện đến nơi đến chốn. Thủ tướng Modi có lý khi ông tập trung nỗ lực vào việc phát triển mạng lưới công nghiệp của quốc gia này nhưng chắc chắn là ông sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Đặc biệt là trong vấn đề sở hữu đất đai, quyền lợi giữa nông dân với các tập đoàn…”.

S.Phương (tổng hợp)