Amerika với chữ K

08:01 | 01/01/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Một người bạn của tôi, cũng là một tay “mọt báo”, nói mới đây anh ta có thấy trên mạng bài viết của một tác giả trùng tên (hay họ?) với tài tử từng thủ vai James Bond là Daniel Craig. Nhưng thay vì viết từ chỉ nước (hoặc người) Mỹ là America(n) với chữ “c” thì ông ta lại viết với chữ “k” thành AmeriKa(n). Ông ta sai chính tả hay có ẩn ý gì; xin nhờ ông An Chi tìm hiểu giúp và nhân tiện xin cho biết nội dung chính của bài báo đó. (Nguyễn Thế Sự).

Học giả An Chi: Lần theo cái họ của tài tử thứ sáu thủ vai James Bond là Daniel Wroughton Craig mà bạn cung cấp, chúng tôi đã tìm ra được tên họ của một nhà chính trị – nhà báo là Paul Craig Roberts. Gõ thêm thì tìm thấy được cái bài cần tìm của tác giả này là “The Strauss Kahn Frame-Up: The Amerikan Police State Strides Forward” đăng ngày 18/5/2011 trên Global Research (Nghiên cứu toàn cầu). Nhan đề này có nghĩa là “Vụ mưu hại Strauss Kahn: Nhà nước cảnh sát Hoa Kỳ lao về phía trước”. Ở đây ta thấy từ “Amerikan” với chữ “k”, đúng như bạn của bạn đã nói.

Năm nay 72 tuổi, Paul Craig Roberts là một kinh tế gia kiêm nhà báo cựu bảo thủ (đối với tân bảo thủ – neoconservative – đại phản động), sau khi lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Virginia, ông đã tốt nghiệp Viện Công nghệ Georgia, UCB (Berkeley), rồi Đại học Oxford, tại đây ông từng là thành viên của Merton College. Đầu thập niên 80, ông là Thứ trưởng Tài chính của Tổng thống Hoa Kỳ R. Reagan và là một trong những cha đẻ của Reaganomics (chủ trương kinh tế trào Reagan).

Trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, ông giảng dạy kinh tế học tại Center for Strategic and International Studies (Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế). Ông từng là biên tập viên và người viết xã luận cho một số tờ báo, đặc biệt là The Wall Street Journal và Business Week.

Ông cũng là tác giả của 8 công trình nghiên cứu, chủ yếu là về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa tự do kinh tế. Về đối ngoại, ý hướng của ông đối lập với bọn tân bảo thủ. Ông ủng hộ thuyết cho rằng: Vụ 11/9 (đánh sập WTC năm 2001) là “chuyện nội bộ”; ông cũng chống lại cuộc chiến tranh Iraq, cũng như kêu gọi Quốc hội luận tội để bãi chức G.W. Bush. Ông cũng mạnh mẽ chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran. Hiện ông đang cộng tác với các tờ báo và nhà xuất bản cựu bảo thủ như  The American Conservative, cũng như với Global Research. Với tờ sau cùng này, ngoài bài chúng tôi đã nêu và sẽ phân tích, ông cũng đã kịp có thêm mấy bài khác.

Paul Craig Roberts đã được kể tên trong Who’s Who in America, Who’s Who in the World, The Dictionary of International Biography, Outstanding People of the Twentieth Century, và 1000 Leaders of World Influence.

Chữ “k” của ông trong tên AmeriKa(n) không phải là một chữ sai chính tả mà là một cách viết mang tính thách thức và kết án; nhưng chỉ trong những cụm từ chỉ Nhà nước Hoa Kỳ hoặc những cơ cấu mang tính khắc chế hoặc đàn áp của nó (như: tư pháp, cảnh sát, v.v…), và cũng chỉ trong những trường hợp này mà thôi. Sau đây là vài thí dụ cụ thể nhặt ra từ bài đang xét: “Amerikan justice” (Tư pháp Hoa Kỳ), “the Amerikan police state” (Nhà nước Cảnh sát Hoa Kỳ), “Amerika’s police” (Cảnh sát Hoa Kỳ), v.v…

Vậy thì được dùng thay cho “c”, chữ “k” trong những trường hợp này có ý nghĩa gì theo phong cách riêng của tác giả? Xin thưa rằng, với Roberts thì, ở đây, K là chữ cái đầu (initial) của “Klan”, tên tắt của “Klu Klux Klan”, tức tổ chức KKK (3K), trước đây thường bị gọi một cách không xác đáng là “đảng”. Thành lập ngày 24/12/1865, đây là một tổ chức chủ trương giành và dành ưu thế chính trị cho dân Hoa Kỳ da trắng (White), gốc Anglo-Saxon, mà phải là tín đồ Tin Lành (Protestant), thường được gọi tắt bằng những chữ cái đầu là WASP.

Chữ WASP này đã loại trừ người da đen, người châu Á (Trung Hoa và Nhật Bản nhập cư), người nói tiếng Tây Ban Nha (Mexico, Cuba, Puerto-Rico và người Mỹ Latinh), người Đông Âu (Nga, Ba Lan, Ukraina…), v.v… Hầu như tất cả các tổng thống Mỹ đều là WASP, ngoại trừ J.F. Kennedy (Ireland, Công giáo), rồi bây giờ là B. Obama (lai da đen).

Chữ “k” trong “Amerika(n)” của Paul Craig Roberts đã sổ toẹt tất tần tật mọi lời rao bán cái thứ dân chủ mà Hoa Kỳ từng lấy làm tự hào một cách hoàn toàn giả đạo đức. Vui thay, lắm kẻ vẫn còn cắm đầu cắm cổ chạy theo nó!

Còn bây giờ là những ý chủ chốt trong bài báo của Paul Craig Roberts. Tại sao Dominique Strauss-Kahn (D.S.K) bị mưu hại?

Cái vết đen nguy hại nhất trong tiểu sử của D.S.K là theo thăm dò thì ông ta đã bỏ xa Sarkozy, con rối người Pháp của Amerika trong cuộc đua vào Điện Élysée năm 2012. Thế thì dứt khoát D.S.K phải bị trừ khử.

Tờ Daily Mail của Anh ngày 16/5 đã lưu ý rằng, trước chuyến đi định mệnh của D.S.K sang New York thì tờ báo Pháp Libération đã công bố những lời bình luận mà ông ta đã đưa ra khi trao đổi về những kế hoạch nhằm đánh bại Sarkozy trong việc giành chiếc ghế tổng thống của nước Pháp. D.S.K nói rằng, vì mình được xem là người chiến thắng trong cuộc đua với Sarkozy nên ông phải chấp nhận một chiến dịch bôi nhọ hèn hạ của con rối này và của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Claude Gueant. D.S.K đã đoán trước rằng, sẽ có một phụ nữ được trả từ 500.000 đến 1 triệu euro để bày ra câu chuyện D.S.K cưỡng hiếp mình.

Ngoài ra, D.S.K cũng có thể bị những đối thủ của mình ngay trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như trong bộ khung chính trị của Pháp hãm hại. Michelle Sabban, một nữ cố vấn của chương trình Paris thành phố khổng lồ, trung thành với D.S.K, còn cho rằng đây là một âm mưu quốc tế. Ngay cả nhiều đối thủ của D.S.K cũng không tin ở cái tin này. Henri de Raincourt, Bộ trưởng Bộ Hợp tác Hải ngoại của Sarkozy cũng cho đây là một cái bẫy.

Michelle Sabban còn cho rằng, chính IMF mới là mục tiêu. D.S.K là Tổng giám đốc đầu tiên của IMF không đứng về phía bọn giàu sụ chống lại người nghèo. Tuy D.S.K hướng sự ngờ vực của mình vào Sarkozy nhưng chính Wall Street và nhà cầm quyền Amerika cũng có những lý do bức bách để loại trừ ông ta. Wall Street thì kinh hãi trước viễn cảnh của các biện pháp điều tiết còn Washington thì lại khó chịu trước báo cáo mới đây của IMF, nói rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Hoa Kỳ trong vòng 5 năm tới. Vậy một âm mưu quốc tế cũng là chuyện có thể có.

Quả nhiên, thủ đoạn đã diễn ra như một vở kịch. Bọn cầm quyền đã bịa ra một người đàn bà Pháp (ám chỉ Tristane Banon) nhận rằng 10 năm trước đây, chị ta cũng từng bị D.S.K toan cưỡng hiếp. Không biết đây là hệ quả của một sự đe dọa hay một sự mua chuộc? Giống như trường hợp của Julian Assange, bây giờ có đến hai người phụ nữ tố cáo D.S.K. Và khi mà các viên  biện lý có được sự ủng hộ của hai người phụ nữ chống lại một người đàn ông thì bọn họ giành được phần thắng trên báo chí.

Việc sắp xếp để bắt giữ D.S.K ngay trước giờ cất cánh của một chuyến bay bình thường cũng góp phần tạo hình ảnh một kẻ đang chạy trốn vì đã phạm tội. D.S.K sẽ được chứng kiến, tư pháp Amerikan được tổ chức để đưa ra tuyên bố về sự phạm tội bất chấp sự vô tội hay có tội.

Vài giờ sau khi bài báo này viết xong, Roberts đã kịp thời bổ sung rằng nhà cầm quyền thông báo là, sau khi bị từ chối nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại, D.S.K đã được đặt trong tình trạng giám sát “chống tự tử”. Tại sao phải tuyên bố như thế nếu đã không có một kế hoạch gì rõ ràng? Ngay từ đầu, mỗi lời tuyên bố và hành động của nhà cầm quyền đều gây ấn tượng về sự phạm tội. Đặt D.S.K trong tình trạng giám sát “chống tự tử” phải chăng là một mánh khóe để tạo ra hình ảnh về một con người không chịu đựng nổi sự lăng nhục của công chúng trước tội ác của mình? Đây là một thủ đoạn dùng sự lăng nhục như một hành động kiên trì nhằm làm cho đối tượng nhụt chí và hạ gục anh ta. Hay đó là dụng ý lấy việc tự tử làm lời giải thích nếu anh ta cần phải chết trong tù?

Vụ D.S.K chưa kết thúc. Ta hãy chờ xem. Và xin nhớ một bài học từ Voltaire: Mọi sự phán xử trên truyền thông và của cảnh sát đều cần được làm rõ cho dù ta có ý kiến như thế nào về cá nhân là đối tượng của nó.

A.C