“Âm nhạc là binh chủng đặc biệt”

06:00 | 01/05/2015

1,953 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những tác phẩm làm nên tên tuổi Doãn Nho chính là những ca khúc viết về người lính. Sức lan tỏa của những ca khúc này đã khiến Đại tá – nhạc sĩ Doãn Nho đi đến đơn vị nào cũng được xem là “người nhà”, là đồng đội, thậm chí tên ông có trong Từ điển Bách khoa Quân sự với “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Sóng Cửa Tùng”…

- Thưa ông, là một người lính và có mặt trong những năm tháng ác liệt nhất của cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, theo ông, “khí chất” của người lính Việt Nam là gì?

Tôi may mắn được chiến đấu với tư cách như một phóng viên chiến trường dù không trực tiếp cầm súng đánh giặc; thế nhưng chúng tôi lại “đánh” bằng ngòi bút, bằng lời ca, bằng nốt nhạc… Tôi đã có mặt trong những thời khắc lịch sử của dân tộc như năm ở chiến dịch Tây Nguyên những năm 1966-1967, chiến trường Quảng Trị năm 1971-1972 và sau này là chuyến đi ra đảo Trường Sa  vào năm 1995. Có thể nói, trong thời điểm ấy, chúng tôi vừa là người lính, vừa là nghệ sĩ khi phải phản ánh được không khí hào hùng, sục sôi của đất nước qua những nét nhạc, những ca từ…

Nhạc sĩ Doãn Nho

Đối với tôi, “khí chất” của người lính Việt Nam chỉ có thể diễn tả bằng cụm từ mà nhân dân yêu mến gọi chúng tôi: đó là “anh bộ đội Cụ Hồ”. Cụm từ này đã phản ánh đầy đủ tính Đảng, tính Nhân dân và tính Dân tộc của người chiến sĩ. Người chiến sĩ Việt Nam có thể chấp nhận đói, chấp nhận rét, chấp nhận hi sinh nhưng “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Tôi vẫn nhớ, người lính thời Điện Biên Phủ (người lính thời chống Pháp) chỉ là những người nông dân mặc áo lính. Họ mang theo tất cả sự chất phác, chân thật vào mặt trận. Họ chiến đấu với tất cả sự nhiệt thành và quả cảm. Như thơ của Chính Hữu, “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước, gốc đa, nhớ người ra lính…”.

Chính những người nông dân mặc áo lính đã làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”. Ai sống trong những ngày lịch sử ấy mới hiểu hết niềm tự hào dân tộc. Chúng ta thua kẻ thù về mọi mặt, từ vũ khí, đạn dược đến quân lực. Thế mà, pháo cao xạ của ta đã khống chế được hoàn toàn mặt trận, bắn tan máy bay địch. Ai sống trong những ngày ấy mới ám ảnh, hình ảnh những người lính kéo pháo vào mặt trận gian khổ, hy sinh như thế nào. Lịch sử đã từng ghi lại rồi đấy, phải có những anh hùng lấy thân mình chèn pháo, phải có những anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, phải có những anh hùng lấy thân mình làm giá súng… Phải có biết bao hy sinh, bao nhiêu máu đổ mới có được trận Điện Biên “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” như thế”.

Tôi vẫn nhớ năm 1948, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc mở một lớp sáng tác nghiệp dư, tập trung những người lính thích văn nghệ, thích hát để sáng tác tập thể 1 bài hát. Đó là bài hát “Thời cơ đến”: “Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến/ Mặc trời mưa, mặc đường trơn/ Mặc đèo cao dốc đá, mặc hành quân mang nặng/ Ta cứ đi, ta vẫn vui/ Quyết mang chiến công về/ Anh em ơi chúng ta là bộ binh trợ chiến/ Mùa đông này ta sẽ đánh giặc tan …”.

Nhiều người ở thế hệ tôi nghe bài hát này đều muốn khóc, bởi bộ đội chúng ta mộc mạc quá, thật thà quá, sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng đổ máu, chỉ hết lòng chiến đấu, đánh giặc để mang hòa bình cho nhân dân, cho đất nước. Chỉ mặc 1 chiếc áo trấn thủ, chân không giày, đắp chung chăn… mà lúc nào cũng sục sôi vì lý tưởng độc lập tự do cho Tổ quốc.

Tuy nhiên, đến thời kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta không chỉ là những người nông dân mặc áo lính, mà còn có trí thức, sinh viên, công nhân… Cũng gian khổ, vất vả nhưng quật cường và ở bất kỳ thời điểm nào, bộ đội Việt Nam cũng hồn nhiên và mộc mạc như thế.

Lực lượng sĩ quan lục quân

Theo nhạc sĩ, một người lính sáng tác có gì khác một nhạc sĩ thông thường khi viết về hình ảnh người lính?

Tất nhiên, người nhạc sĩ trong quân đội rất gần với bộ đội vì bản thân họ cũng là người lính, sức truyền cảm rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, với những nhạc sĩ không phải người lính, thì họ viết dưới con mắt của nhân dân, nó có cái hay và độc đáo riêng. Trong hay ngoài quân đội thì phải phụ thuộc tài năng. Nhiều nhạc sĩ không phải người lính nhưng vẫn có những bài hát để đời.

Trong kháng chiến, trong chiến đấu, nhân vật trung tâm hầu như là người lính. Người lính trong hành quân, trong chiến đấu, trong tình đồng đội, trong mối quan hệ với hậu phương, quê nhà và sự gắn bó, tình cảm với Bác Hồ.

Thế nhưng người lính ta là người lính từ nhân dân mà ra, không phải chuyên nghiệp như tư bản, không được huấn luyện bài bản để chiến đấu. Nhưng nước ta, giặc đến thì mình đánh, giặc đi thì mình lại trở lại là người nông dân, công nhân, trí thức … Vì thế, đề tài người lính luôn được các nhạc sĩ lựa chọn để phản ánh, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng.

 Ông đánh giá thế nào về sức mạnh của âm nhạc trong quá trình cổ vũ đấu tranh?

-  Có thể nói, các ca khúc đi cùng năm tháng luôn gây một xúc động rất lớn và có sức cổ vũ hàng vạn cán bộ, chiến sỹ của chúng ta làm nên những chiến công liên tiếp. Đó là sức mạnh của âm nhạc và tôi hy vọng chúng ta nên có nhiều bài và nhiều chiến công như thế.  Những ca khúc chính là một loại hình chiến đấu động viên cho từng trận đánh, từng chiến dịch; động viên đoàn kết thống nhất vượt mọi khó khăn gian khổ để giành chiến thắng. Tôi coi đây là một “binh chủng đặc biệt” của quân đội. Đã có người nói rằng giá trị của 1 ca khúc nổi tiếng bằng cả 1 sư đoàn. Với tôi, không có một lời nhận định nào hay hơn thế nữa.

Trong hai cuộc kháng chiến, có rất nhiều ca khúc gắn với người lính, với sự cổ vũ đấu tranh như nhạc sỹ Huy Du với “Anh vẫn hành quân”, nhạc sỹ Đỗ Nhuận với “Hành quân xa”, hay nhạc sỹ Huy Thục với “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Đó là tôi chỉ nói tới các đề tài về hành quân, còn rất nhiều các đề tài khác nữa, điển hình như nhạc sỹ Phạm Tuyên với “Hà Nội- Điện Biên Phủ”,… Còn rất nhiều nữa, những bài hát rất “diệu kỳ” trong thời chiến tranh.

Tôi đã từng có lúc chê trách các nhạc sĩ trẻ, rằng các bạn đang “tặng” người nghe những giai điệu ủy mị quá, buồn quá với những ca từ hát lên lại là tan vỡ, chia ly… Thế nhưng gần đây, tôi đã thấy “vui trở lại” bởi các bạn trẻ đã quan tâm tới đề tài Tổ quốc và lòng yêu nước thông qua kêu gọi bảo vệ chủ quyền, hải đảo. Điển hình như các bài hát “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Nghe Tổ quốc gọi tên mình”, “Bay qua biển Đông”, trước đó là “Nơi đảo xa” . Tôi cũng có 1 số bài hát như “Sơn ca trên đảo Sơn Ca”, “làng lính trên đảo”, “Lãnh hải thiêng liêng”…Ở bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần phải bảo vệ đất nước. Bảo vệ mới xây dựng được và xây dựng chính là tiền đề để chúng ta bảo vệ đất nước.

Vương Tâm (thực hiện)

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.