Ám ảnh trộm cắp điện

07:00 | 19/10/2013

11,038 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Can thiệp trực tiếp vào công tơ điện, đấu nối thẳng vào hệ thống lưới điện mà không qua công tơ, gắn chíp điện tử làm chậm tốc độ quay của công tơ... là những thủ đoạn mà các đối tượng ăn cắp điện sử dụng khá phổ biến hiện nay. Thậm chí, để đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng sử dụng điện, trong xã hội đã xuất hiện một số đối tượng trộm cắp điện chuyên nghiệp hành nghề trộm cắp điện thuê.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết: Tình trạng trộm cắp điện trên cả nước hiện đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số vụ việc lẫn sản lượng điện bị mất cắp... Đối tượng trộm cắp cũng rất đa dạng, có cả cá nhân, tập thể, các thành phần kinh tế như hộ tiêu dùng sinh hoạt, hộ sản xuất cá thể, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ... Đặc biệt, thời gian vừa qua đã xuất hiện những đối tượng trộm cắp điện chuyên nghiệp, trộm cắp điện thuê. Những đối tượng này đều có chuyên môn về kỹ thuật điện nên việc tiến hành trộm cắp bằng công nghệ, kỹ thuật cao gây rất nhiều khó khăn trong việc điều tra phát hiện. Thủ đoạn trộm cắp cũng như phương thức đối phó với lực lượng chức năng của trộm cắp điện cũng ngày càng xảo quyệt và manh động. Có những vụ việc, khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng thuê đầu gấu để cản trở lực lượng kiểm tra nhằm trì hoãn, phi tang hiện trường hoặc dùng hung khí tấn công, gây thương tích nặng nề cho lực lượng kiểm tra là nhân viên điện lực.

Ăn cắp điện bằng máy tạo dòng bị phát hiện ở Hà Nội

Cũng theo ông Nguyên thì ngoài các thủ đoạn trộm cắp cũ như phá chì niêm phong hộp công tơ rồi nối dây trước công tơ kéo về nhà, câu móc trực tiếp trên lưới hạ thế, từ aptomat tổng của trạm biến áp, thời gian gần đây, địa bàn TP Hồ Chí Minh đang gia tăng hình thức trộm cắp điện bằng cách sử dụng nam châm có từ tính mạnh tác động vào công tơ điện làm ảnh hưởng đến hoạt động của công tơ. Hành vi này rất khó kiểm tra và bắt quả tang.

Ăn cắp điện đã trở thành vấn nạn đối với ngành điện. Những đối tượng này vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì lòng tham đã tìm mọi cách để được sử dụng điện miễn phí, được dùng... điện “chùa” một cách thoải mái, đã tìm mọi cách để ăn cắp điện. Lật tìm trong những trang hồ sơ lưu trữ về hiện tượng này, chúng tôi không khó để bắt gặp những vụ việc kiểu như thế. Ví như trường hợp của Hợp tác xã Dịch vụ điện nước Lê Thiện (thuộc xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng) chẳng hạn. Để giảm thiểu chi phí tiền điện và cũng là để dùng điện một cách thoải mái, không phải lo tiết kiệm điện, đơn vị này đã can thiệp thay bánh răng bên trong công tơ cơ để trộm cắp điện.

Một vụ việc khác là trường hợp của Công ty TNHH Nhật Phát (Khu công nghiệp Cầu Vàng 2, huyện An Lão, Hải Phòng) chẳng hạn. Theo Công ty Điện lực Hải Phòng thì công ty này đã có hành động thay chì niêm phong và tác động vào công tơ điện tử trên lưới điện cao thế 35kV để trộm cắp điện. Sau khi ký biên bản thừa nhận hành vi trộm điện, đơn vị này phải bồi thường cho bên bán điện tới 151 triệu đồng để được đóng điện tiếp tục sản xuất. Cả 2 vụ việc trên đều xảy ra cuối năm 2012.

Dùng nam châm làm chậm tốc độ quay của công tơ điện

Nhưng nghiêm trọng hơn là 2 trường hợp ở Nam Định khi 2 Công ty đúc Ánh Hồng và Công ty Hải Yến đã có hành vi ăn cắp điện với giá trị lên tới 1,2 tỉ đồng - một trong những vụ ăn cắp điện với số tiền lớn nhất tỉnh Nam Định cũng như cả nước. Theo Điện lực Nam Định thì sau khi phát hiện đường dây tải điện 370E31 từ trạm 110kV Trình Xuyên về huyện Ý Yên, qua hơn 100 trạm biến áp cung cấp điện cho khu vực huyện có mức tổn thất điện năng lớn (12%), đơn vị đã tổ chức kiểm tra lại tất cả các trạm biến áp. Qua đó phát hiện 2 doanh nghiệp này đã sử dụng điện năng cao hơn mức chỉ số đồng hồ. Sau khi lập biên bản, tháo dỡ hộp công tơ điện xuống kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 2 doanh nghiệp trên đã xâm phạm, tác động vào mạch đo đếm của công tơ điện nhằm ăn cắp điện năng.

Còn theo một cán bộ kỹ thuật của EVN cho biết, hiện nay ngoài các chiêu thức ăn cắp điện truyền thống, nhiều đối tượng trộm cắp điện còn dùng thiết bị để quay ngược công tơ, gắn chíp điện tử vào công tơ để điều khiển từ xa làm cho công tơ đo đếm điện theo ý muốn, sử dụng nam châm có tính từ mạnh đặt bên cạnh công tơ điện... Thậm chí chuyên nghiệp hơn, tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, có hộ còn đấu nối đường dẫn máy tạo dòng thông qua một thiết bị viễn thông như điện thoại. Khi úp ống nghe thì máy tạo dòng hoạt động, còn nhấc ống nghe ra khỏi điện thoại thì... không ai kiểm tra được vì máy tạo dòng sẽ tự động ngắt hoạt động.

Ngành điện đang phải đối diện với những diễn biến phức tạp của nạn ăn cắp điện như thế và nguy hại hơn, khi hiện tượng này lại đang được “chuyên nghiệp” hóa thành một nghề, thách thức nỗ lực chống lại nạn ăn cắp điện của ngành điện. Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Lê Sỹ Lực và Hà Văn Tiến (đều trú tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn) vì đã “đạo diễn” hàng chục vụ ăn cắp điện. Theo lời khai của 2 đối tượng này thì Tiến vốn là một cán bộ ngành điện đã câu kết với Lực - làm nghề kinh doanh đồ điện dân dụng và một số đối tượng khác môi giới, thực hiện hành vi trộm cắp điện. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này sử dụng là câu móc điện trực tiếp vào đường dây điện hạ áp; phá khóa, phá chì hoặc làm giả chì niêm phong của cơ quan kiểm định đo lường chất lượng, thay đổi chỉ số công tơ, làm sai lệch nguyên lý, tiêu chuẩn của công tơ, dẫn đến công tơ chạy chậm. Khi trộm cắp điện thành công, cả hai đều được các hộ này trả tiền công.

Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình trạng trộm cắp điện đang diễn ra khá phổ biến và rất phức tạp, tinh vi, không chỉ gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng mỗi năm cho ngành điện mà còn đe dọa sự an toàn của lưới điện quốc gia. Hiện tượng này vì thế rất cần được cảnh báo trong toàn xã hội và có những chế tài mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng ăn cắp điện trong xã hội ta.


Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps