Ajax Amsterdam và Manchester United: Hai hình thái, một nỗi niềm!

16:36 | 15/05/2017

1,785 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cả Ajax và MU từng là những thế lực đáng sợ của bóng đá “lục địa già”. Tuy nhiên, theo thời gian, mỗi câu lạc bộ đều trải qua những biến cố riêng và có điểm chung là đang chật vật tìm lại chính mình.

Đâu rồi cái nôi của bóng đá tổng lực?

Trong lịch sử 115 năm kể từ ngày thành lập, Ajax đã có nhiều đóng góp lớn lao cho bóng đá thế giới cả về chiến thuật lẫn con người. Chính họ tạo nên lối chơi tấn công tổng lực được áp dụng từ câu lạc bộ vào đội tuyển Hà Lan khiến biết bao thế hệ cổ động viên mê đắm.

Đỉnh cao của câu lạc bộ này là khi họ thống trị châu Âu 4 lần vào các năm: 1971, 1972, 1973, 1995. Họ cũng hai lần vào đến trận đấu cuối cùng của cúp C1 châu Âu (tiền thân của Champions League) vào các năm 1969, 1996.

ajax amsterdam va manchester united hai hinh thai mot noi niem
Ajax từng là thế lực của bóng đá châu Âu (ảnh: Getty images).

Nếu ai đó cũng yêu Ajax và thứ bóng đá tổng lực của người Hà Lan thì sẽ không thể quên được những cái tên huyền thoại như Johann Cruyff, Johan Neeskens, Marco Van Basten, Jari Litmanen…

Hiện tại, Ajax còn lại những gì? Không một cái tên đạt đẳng cấp thế giới nào được sản sinh, thay vào đó cái nôi đào tạo trẻ tốt nhất thể giới một thời giờ chỉ có thể cho ra đời những cầu thủ làng nhàng. Chính sách bán ngôi sao để kiếm tiền, đã biến Ajax từ chỗ là câu lạc bộ giàu thành tích nhất Hà Lan với 33 chức vô địch giải quốc nội, giờ chỉ còn là cái bóng của mình.

Câu chuyện bắt đầu từ sau trận thua Juventus trong trận chung kết Champions League 1995-1996, Ajax đã bán tất cả, từ Kluivert, Litmanen, Seedorf, Davids cho tới anh em nhà de Boer, Reiziger, Kanu, Finidi… Kể từ thời điểm đó, Ajax chỉ còn là ông lớn trên lý thuyết.

Thử điểm mặt những cầu thủ gần nhất buộc phải rời Ajax vì chính sách “bán lúa non” của câu lạc bộ: Luis Suarez, Zlatan Ibrahimovic, Daley Blind, Christian Eriksen, Jasper Cillessen… quá nửa trong số này đã đạt đẳng cấp thế giới. Hãy thử tưởng tượng, nếu giữ lại họ liệu Ajax có chật vật đến vậy?

Ở đội tuyển Hà Lan hiện tại, những trụ cột là cầu thủ thuộc biên chế Ajax vô cùng hiếm hoi. Điều đó chỉ ra rằng, muốn tìm lại thời hoàng kim, Ajax phải thay đổi cách làm. Lãnh đạo Ajax có lẽ cũng nhận ra điều này, nhưng liệu họ có chịu thay đổi?

Đế chế “chìm” theo người cha già

Nếu thời kì hoàng kim của Ajax gắn liền với những cái tên như Kluivert, Litmanen, Seedorf, Davids… thì M.U cũng có một chu kì thành công với David Backham, anh em nhà Neville, Nicky Butt, Paul Scholes… những sản phẩm “cây nhà lá vườn” giúp họ vươn mình trở thành thế lực của bóng đá châu Âu nhiều thập kỉ trước.

ajax amsterdam va manchester united hai hinh thai mot noi niem
Mourinho vẫn đang gặp khó trong việc đưa Quỷ đỏ trở lại thời kì đỉnh cao.

Điểm chung của hai câu lạc bộ là, đều đang vất vả tìm lại ánh hào quang xưa. Nếu như chính sách “bán lúa non” làm hại Ajax thì câu chuyện của MU có lẽ đến từ buổi chia tay của một huyền thoại.

Ngày 8/5/2013, Sir Alex tuyên bố giải nghệ, để lại bao nuối tiếc cho người hâm mộ. Người ta đã mường tượng ra những viễn cảnh không mấy khả quan của câu lạc bộ khi người cha già nghỉ hưu, nhưng chẳng ai nghĩ mọi chuyện lại tồi tệ đến thế.

Trước đó, mặc dù giành chức vô địch lần thứ 20 trong lịch sử và mang về không ít bản hợp đồng nhằm củng cố nền tảng cho câu lạc bộ nhưng phải thừa nhận, Quỷ đỏ đã không thể là chính mình khi Sir Alex không còn nắm quyền chỉ đạo.

Trải qua 3 triều đại thời hậu Sir Alex, với hàng tỷ bảng Anh đổ vào thị trường chuyển nhượng (điều không bao giờ có dưới triều đại của Sir), MU vẫn đang tự “tầm thường hóa” mình bằng những mục tiêu làng nhàng, tốp 4 Premier League và chung kết Europa League.

Với Quỷ đỏ thành Manchester, cơn khát danh hiệu kéo dài đã làm tổn thương niềm kiêu hãnh của đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh. Phải sử dụng đến đấu trường vốn được coi là “sân sau” của bóng đá châu Âu để tìm đường trở lại Champions League, với các cổ động viên của Quỷ đỏ đây là nỗi đau khó mà diễn tả bằng lời.

Bóng đá Hà Lan đang có dấu hiệu chững lại khi thất bại ở hầu hết những đấu trường quan trọng, kể từ sau chiến tích vào đến bán kết Wolrd Cup 2014. Cũng lâu lắm rồi mới có một đại diện cấp độ câu lạc bộ của bóng đá xứ sở hoa Tulip được chơi ở một trận chung kết cúp châu Âu.

Cả đất nước Hà Lan sẽ dõi theo Ajax, nếu họ giành được chức vô địch sẽ là cú hích lớn trong hành trình phục hưng nền bóng đá, cũng như khơi gợi lại tình yêu của người hâm mộ về thứ bóng đá tổng lực một thời làm mê đắm biết bao thế hệ.

Khi mọi ánh hào quang đã lùi dần về quá khứ, trách nhiệm tìm lại niềm kiêu hãnh hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc đối đầu “kinh điển” tại Stockhom (Thụy Điển) vào ngày 24/5 tới đây. Niềm tự hào một thời của người Hà Lan hay đế chế màu đỏ đến từ Anh Quốc sẽ nở nụ cười chiến thắng sau cùng là điều khó mà dự đoán được.

Quang Thịnh