Ai "tiếp tay" cho thực phẩm chức năng giả hoành hành?

08:10 | 07/10/2015

318 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chức năng của người dân ngày càng tăng cao đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để có lợi nhuận…!

Hiện trên thị trường có khoảng 10.000 loại thực phẩm chức năng được lưu hành. 8 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 2.000 vụ vi phạm về thực phẩm chức năng.

Sở dĩ thực phẩm chức năng bị làm giả nhiều như thời gian qua chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chức năng của người dân tăng cao. Do đó, các đối tượng không loại bỏ âm mưu thủ đoạn nào để mang lại lợi nhuận.

ai tiep tay cho thuc pham chuc nang gia hoanh hanh
Lô thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng thu giữ

Một mặt hàng “hot” là vậy nhưng hiện trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có quy định riêng về điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng mà chỉ dựa trên hướng dẫn áp dụng GMP (thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất thực phẩm chức năng.

Vậy vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý về thực phẩm chức năng đến đâu?

Về vấn đề này ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Bất kỳ thực phẩm chức năng nào khi công bố và được phép lưu thông trên thị trường đều phải được đảm bảo về chất lượng. Tất nhiên không tính những loại sản phẩm bị giả mạo.

Nhưng hiện nay, trong số hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông trên thị trường thì chỉ khoảng 50-60% trong số đó là được người tiêu dùng chấp nhận. Còn lại là tự “chết” vì không được người tiêu dùng ưa chuộng.

ai tiep tay cho thuc pham chuc nang gia hoanh hanh
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong

Về quy trình cho ra một loại thực phẩm chức năng, ông Phong cũng thông tin: Quy trình để một loại sản phẩm chức năng được đưa ra thị trường thì ngoài làm thủ tục công bố, chứng minh tác dụng, tính an toàn, hiệu quả… thì sản phẩm đó phải được đưa đi kiểm nghiệm tất cả các tiêu chí cơ bản đã công bố.

Bên cạnh đó phải khẳng định rằng, kết quả đó được kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm đã được chứng nhận, kết quả phù hợp với nội dùng công bố. Khi đó, sản phẩm mới được phép lưu hành.

Về hậu kiểm, bản thân doanh nghiệp định kỳ phải gửi mẫu sản xuất tới phòng kiểm nghiệm để kiểm nghiệm chỉ tiêu công bố và lưu lại kết quả kiểm nghiệm đó. Nếu không đảm bảo, doanh nghiệp phải thu hồi, điều chỉnh.

Về phía cơ quan quản lý, hằng tháng có kế hoạch hậu kiểm từng nội dung cụ thể. Thông thường phía Cục An toàn thực phẩm sẽ tổ chức đoàn thanh tra đến lấy mẫu bất kỳ, lấy mẫu sản phẩm lưu hành trên thị trường để kiểm nghiệm... Nếu phát hiện chất lượng sản phẩm đang lưu hành không đảm bảo như công bố, sẽ xử lý theo pháp luật.

Năm 2015 cũng là một năm Cục An toàn thực phẩm mạnh tay với các sản phẩm chức năng vi phạm quy trình sản xuất cũng như quảng cáo không trung thực. Trong đó, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất.

Có những thời điểm, hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt).

“Để xảy ra tình trạng này, tôi thừa nhận có trách nhiệm của ngành y tế khi công tác thanh, kiểm tra chưa triệt để. Do vậy, thời gian tới Cục An toàn thực phẩm cam kết sẽ xử lý nghiêm với hành vi vi phạm như phạt tiền, rút giấy phép, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng…”- ông Phong nhấn mạnh.

 

Huy An