Ai sẽ tiếp nối con đường của GS Trần Văn Khê?

06:00 | 03/07/2015

2,021 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
GS Trần Văn Khê đã từng đã nhắc đến tên của 4 người có thể sẽ tiếp nối con đường nghiên cứu âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam. Nhưng ông cũng lại nói: “Có mà không có!”.

Trong rất nhiều câu chuyện, chúng tôi nhớ GS Trần Văn Khê đã trả lời một câu hỏi rằng: “Nếu một ngày nào đó, thầy không còn nghiên cứu âm nhạc truyền thống nữa thì ai sẽ tiếp nối con đường thầy đã đi?” Trầm ngâm không quá lâu, GS nói: “Thật ra, có mà không có!”.

“Có”, GS nêu ra 4 cái tên đó là: Trần Quang Hải, Nguyễn Thuyết Phong, Bùi Trung Hiền, Tô Ngọc Thanh.

“Không có”, theo GS lý giải là vì không ai đi theo nghiên cứu sâu rộng nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Mỗi người một lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Hơn nữa, “Họ nghiên cứu để biểu diễn, để sáng tác và nghiên cứu là nghề tay trái chứ không phải người học ra để mà nghiên cứu”, GS Khê cho biết.

Nói về đội ngũ nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam ở miền Nam, GS lắc đầu: “Không có ai!”. Miền Bắc thì có hai người: Bùi Trung Hiền và Tô Ngọc Thanh. Đối với nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh, GS Khê đánh giá, những nghiên cứu, trước tác của Tô Ngọc Thanh chuyên về: Dân ca Thái, Tây Nguyên. “Ngoài ra, Tô Ngọc Thanh còn biết một ít về âm nhạc cung đình, ca trù, quan họ”.

Nói về người tiếp nối con đường nghiên cứu âm nhạc truyền thống, GS Khê nói: "Có mà không có!"

Đối với các nhà nghiên cứu còn lại ở miền Bắc, GS Khê đánh giá sâu sắc hơn cả là nhà nghiên cứu Bùi Trung Hiền. Nhưng GS Khê cho biết, nhà nghiên cứu Bùi Trung Hiền mặc dù rất giỏi nhưng lại không tốt ngoại ngữ.

GS thuật lại lời trần tình của nhà nghiên cứu này với GS rằng: “Thầy nói gì em cũng nghe hết mà giờ bảo em học ngoại ngữ thì em chịu thua, xin lỗi thầy!”. Theo GS Khê, việc nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam không học ngoại ngữ có cái hay là giữ trong sạch tư tưởng, suy nghĩ của người Việt nhưng lại thiếu tinh thần đối chiếu như người nước ngoài. Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn thiếu phương tiện diễn tả cho người nước ngoài nghe để nhận sự góp ý của họ. “Thành ra các em thua tui ở chỗ đó!”, GS nói.

Cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc đã ra đi
Khám phá nhạc cụ dân tộc tại nhà GS-TS Trần Văn Khê

Mặc dù có nêu tên con trai mình (ông Trần Quang Hải) có thể kế tục việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam nhưng GS Khê không có đánh giá khái quát nào.

Riêng đối với GS Nguyễn Thuyết Phong, GS Khê nhắc đến việc ông đã hướng dẫn cho GS lấy bằng tiến sĩ ngành Dân tộc nhạc học thế giới tại Đại học Sorbonne, Pháp. Theo GS Khê, GS Nguyễn Thuyết Phong bây giờ chuyên nghiên cứu nhạc Phật giáo, nhạc đờn ca tài tử và một số nhạc dân tộc.

Cái “không có” tiếp theo mà GS Khê đề cập là những nghiên cứu âm nhạc truyền thống chuyên sâu chỉ có ông mới có, Việt Nam không có người thứ hai biết.

GS Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam, năm 1958

Rồi GS kể, thầy “Tí Quờn” (Nhạc sĩ Trần Quang Quờn) có viết nhiều bài khí âm. GS may mắn chép lại được các bài này. Ông mong muốn chuyển các bài này sang hò xự xang xê cống của Việt Nam, rồi chuyển sang tổng phổ bây giờ. Một số bài của thầy “Tí Quờn” cần phải chuyển là: Khứ hổ báo nhập trung địa (Trong rừng có con hổ và con báo ở chung), Tróc mã (Cưỡi ngựa), Dạ bán chuông thinh (Nửa đêm nghe tiếng chuông)…

Nhưng ông nói, “giờ mắt tôi một bên mù, con mắt còn lại thì không thấy rõ, có lẽ vài bữa nữa con mắt này nó sáng lên sẽ làm với thư ký mấy cái chuyện đó”, GS Khê lấy tay chỉ cho chúng tôi xem đôi mắt của ông…

Đó là thời điểm của cuối tháng 11/2014. Bây giờ, GS đã đi xa trong niềm thương nhớ của bao người!

L.Trúc – N.Dương (Năng lượng Mới)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.