Ai nuôi ai?

15:13 | 11/12/2011

485 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Việc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đang được đặt ra. Tái cơ cấu đầu tư công là một trong những yếu tố quyết định thành công của tái cơ cấu kinh tế. Và tăng trưởng kinh tế có cao và bền vững hay không do tái cơ cấu kinh tế quyết định. Động thái đầu tiên của Chính phủ về tái cơ cấu đầu tư công chính là Chỉ thị số 1792/CTTTg có hiệu lực từ 25/11/2011.

Từ thực tế đáng buồn…

Trong một hội thảo mới đây với nội dung nhận diện nền kinh tế Việt Nam 2011, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết một nghịch lý, đó là hiện nay nền kinh tế Việt Nam mới đạt quy mô GDP 100 tỉ USD mà đã có 100 cảng biển, trong đó có 20 cảng quốc tế; hơn 100 tổ chức tín dụng, hàng trăm công ty tài chính và chứng khoán; 22 sân bay, trong đó có 8 sân bay quốc tế (trong khi Nhật với GDP 4.500 tỉ USD mà chỉ có 4 sân bay quốc tế). Ngoài ra còn có 18 khu kinh tế ven biển; 27 khu kinh tế cửa khẩu; 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp. Chỉ tính trong 10 năm (2001-2010), Việt Nam có thêm 233 trường đại học và cao đẳng, tức mỗi tháng có thêm 2 trường. Tính trung bình, nền kinh tế có thêm 1 khu đô thị mới trong 1 tháng.

Trong một phân xưởng của Honda Việt Nam

Thực tế, số lượng các sân bay, cảng biển, khu công nghiệp và ngân hàng thương mại không phải là vấn đề đáng ngại đối với một nền kinh tế nếu các công trình này thực sự cần thiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế đó. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Thiên, trong số 100 cảng biển, mỗi cảng chỉ phục vụ sản xuất trung bình 1 tỉ USD/năm. Tương tự, nếu 100 ngân hàng thương mại trong nền kinh tế có GDP 100 tỉ USD có nghĩa bình quân mỗi ngân hàng chỉ phục vụ sản xuất ra 1 tỉ USD/năm cho nền kinh tế.

Chưa tính đến sự hiện diện của các cụm công nghiệp, trong tương quan với quy mô GDP, có thể thấy cấu trúc tổ chức công nghiệp của Việt Nam rất li ti, trong đó mỗi khu kinh tế và khu công nghiệp chỉ sản xuất một lượng GDP ít ỏi. Theo bất cứ chuẩn mực nào thì sự phân bổ công nghiệp như vậy đều cho thấy một sự dàn trải, phân tán và lãng phí nguồn lực. Ngân sách Nhà nước đang nuôi các khu kinh tế, khu công nghiệp hơn là các khu này đang giúp nền kinh tế phát triển. Đó thực sự là một nghịch lý lớn, phản ánh mức độ trầm trọng của căn bệnh “đầu tư công kém hiệu quả”.

Từ cách thức tăng trưởng đầy tham vọng như vậy, người ta phải tự hỏi, cần có bao nhiêu vốn bỏ ra trong thời gian dự kiến để đạt được các mục tiêu dự định mà vẫn đảm bảo hiệu quả, rằng một sự dàn trải đầu tư quá rộng và mỏng trong khi năng lực quản trị có hạn và trong bối cảnh một nền kinh tế chuyển đổi – hội nhập quốc tế nhanh thì hậu quả sẽ là gì?

Khi trả lời được câu hỏi đó, tự khắc, cũng sẽ hiện ra câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản khác: Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ai là người sản xuất ra GDP và sản xuất bao nhiêu? Các câu hỏi đó cũng tương đương với các câu hỏi đang đặt ra rất gay gắt: nền kinh tế, ngân sách Nhà nước, các tỉnh đang nuôi các khu kinh tế, khu công nghiệp… hay ngược lại.

Đến việc tái cấu trúc một cơ thể "khuyết tật”

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong những năm qua, công tác đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đã mang lại nhiều thành quả, song Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng nhận ra được hạn chế trong cơ chế quản lý đầu tư hiện nay. Nguyên nhân là do việc phân cấp quá rộng, nhưng thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ vốn đầu tư công, đồng thời phê duyệt quá nhiều dự án, dẫn đến mất khả năng cân đối vốn, kế hoạch đầu tư thường bị cắt khúc từng năm dẫn đến tình trạng đường sá dang dở… Kết quả là hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực.

Chỉ thị 1792 ra đời đã “đánh” đúng và trúng những mặt yếu kém trên bằng những hành động cụ thể, đó là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn cho các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền do Chính phủ phê duyệt, vốn ngân sách bổ sung có mục tiêu cho địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ. Chỉ thị cũng quy định rõ trách nhiệm của người ký quyết định đầu tư những dự án không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn, khiến thi công kéo dài, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, trong khi kiên trì cắt giảm đầu tư công, nhưng vẫn phải đảm bảo ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011, nhưng chưa được bố trí đủ vốn; ưu tiên vốn cho dự án hoàn thành năm 2012 và vốn đối ứng ODA. Việc bố trí vốn cho dự án mới năm 2012 phải bảo đảm tổng số vốn bố trí cho từng dự án (gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A; 20% đối với dự án nhóm B; 35% đối với dự án nhóm C so với tổng vốn đầu tư được duyệt. Không bố trí vốn cho dự án có thể chuyển đổi sang hình thức đầu tư khác.

Khó khăn ở đây là Chính phủ cần chọn lựa đúng các dự án đảm bảo an sinh xã hội, dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu phát triển kinh tế – xã hội để phân bổ nguồn vốn ngân sách trên. Để tạo sự chủ động cho địa phương và hạn chế cơ chế “xin – cho” vốn ngân sách hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm và dự kiến trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các địa phương phải xây dựng danh mục dự án đầu tư trung hạn cho 3 năm 2013-2015 để Chính phủ phê duyệt nguồn vốn, không để xảy ra tình trạng dự án đầu tư nửa chừng thì hết vốn hoặc đầu tư các dự án không nằm trong danh mục; các công trình cấp bách phải hoàn thiện sau 5 năm đầu tư. Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát các dự án đầu tư công, đảm bảo từng đồng vốn Nhà nước mang lại hiệu quả cao nhất, chấm dứt tình trạng lãng phí, dàn trải. Một vấn đề nữa là, Bộ sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho hình thức hợp tác công – tư (PPP), khuyến khích tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Vậy là “phát súng mở màn đã nổ”, với cơ chế mới, hy vọng Chỉ thị sẽ tạo ra một “cú hích”, là điểm khởi đầu cho tái cơ cấu đầu tư công, cũng là thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để khắc phục “căn bệnh” bố trí vốn dàn trải, kém hiệu quả, để “ai nuôi ai” không còn là câu hỏi luẩn quẩn nữa.

Ngọc Tuấn