Ai là đại ca nhà này?

10:11 | 25/11/2015

1,160 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Con trai tôi khoe thành tích mỗi ngày của bố với không ít việc nhưng khi được hỏi ai là đại ca nhà này thì dõng dạc phong tặng cho bố. Đúng là đại ca “osin”.

Mọi người vẫn cho rằng những ông chồng sợ vợ là “làm trai rửa bát quét nhà, đến khi vợ gọi bẩm bà tôi đây!”. Sự thật hoàn toàn ngược lại, thậm chí trong những gia đình ấy thì người có quyền phát ngôn trong nhà, ngoài ngõ lại chính là “đức ông râu quặp”.

dai ca osin
​Đại ca “osin” (ảnh minh họa)

Tôi chơi thân với Tùng khá lâu nhưng gần đây mới biết anh là một trong những thủ lĩnh trong nhóm “Nể vợ sống lâu Hà Nội”. Vốn cùng học kiến trúc sau chuyển sang nghề xây dựng cùng nhau nên anh em hay có dịp khề khà từ hồi còn độc thân. Bẵng đi một thời gian mỗi đứa theo một dự án tại các tỉnh đến khi tụ lại về Hà Nội thì ai cũng yên bề gia thất.

Gặp lại nhau ở Tổng Công ty, chúng tôi ai cũng mừng, tâm sự cho nhau nghe những thăng trầm trong nghề. Gian nan mưu sinh trong những năm đói kém của nghề xây dựng. Và tất nhiên trọng tâm câu chuyện vẫn là chuyện vợ con, gia đình. Đến khi câu chuyện cũng khá mặn, tôi mới đưa ra cái thắc mắc về vấn đề “sợ vợ” của Tùng. Được lời như cởi tấm lòng, Tùng hỉ hả mời tôi về nhà chơi, thăm cái tổ ấm của mình để mục sở thị cái “thói sợ vợ” của một thằng trai Hà Nội một thời ngang tàng khí phách, dọc ngang chẳng biết sợ ai.

Nhà Tùng là một căn hộ khá xinh xắn trong một khu chung cư cao cấp. Vừa vào đến nhà một cậu bé khoảng 6 tuổi đón chúng tôi với đôi mắt sáng, chào khách xong là ôm chầm lấy bố, líu ríu chuyện trường chuyện lớp. Thằng bé tên Dương, quấn bố đến lạ. Tùng pha ấm trà rồi bảo tôi cứ tự nhiên ngồi chơi để anh lo tắm cho cu Dương trước. Tôi tranh thủ ngắm căn hộ xinh xắn, ngăn nắp gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách thông với bếp và phòng ăn. Đang thầm mừng cho Tùng lấy được cô vợ khá chỉn chu, đảm đang thì Tùng đưa cu Dương vừa tắm xong ra bảo cu cậu tiếp khách thay bố để bố tranh thủ lau cái nhà.

dai ca osin
Ảnh minh họa

Là người hay chuyện và cũng thích trẻ con nên chả mấy chốc tôi và cu Dương chuyện nổ như pháo rang về các thể loại siêu nhân, khủng long đến hoạt hình mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch. Chả hiểu thế nào mà tôi lại buột miệng đùa với cu Dương là: Nhà cháu, ai là “đại ca”? Không cần suy nghĩ, Dương dõng dạc: “Bố cháu ạ!”. Tôi vờ ngạc nhiên, cắc cớ lại: “Sao cháu lại nghĩ thế?”. Dương làm mặt ông cụ non, thì thầm: “Dạ, mới hôm qua lúc bố đang lau nhà, mẹ bảo cháu ra dặn bố là lau nhà xong bố nhớ đổ rác ngay nhé! Lúc ấy cháu bảo mẹ là không được đâu, bố đang lau nhà, nói nữa là bố cáu lên đấy. Thế là mẹ chỉ cười thôi”.

Cái dân kiến trúc chúng tôi là chúa lười biếng, ở bẩn có tiếng trong giới sinh viên. Ấy vậy nên nghe anh Tùng làm việc nhà mà tôi cứ tưởng mình nhầm. Cu Dương nghe tôi thắc mắc mới liệt kê một loạt việc bố Tùng “phụ trách” như đưa con đi học, đón con về nhà, tắm cho con, dạy con học, cho con ăn, bố còn lau nhà, rửa bát, giặt quần áo… Tôi còn nghe cu Dương gọi bố Tùng là đại ca “osin”. Nhưng “osin” này tôi thấy có vẻ vui vẻ hài lòng với công việc lắm!

Nghe loáng thoáng câu chuyện của hai chú cháu, anh Tùng cười bảo tôi, chú đừng nghe cu Dương chém gió. Việc nhà là việc chung, nên chia sẻ với vợ chứ ai đời cứ gác chân chữ ngũ, rung đùi để vợ con nó “hầu” thì chướng lắm. Anh khẳng định: “Thời buổi này vợ hay chồng cũng đều lăn lộn xã hội, kiếm tiền nuôi con nên nếu biết cách chia sẻ thì gia đình mới yên ấm được. Nếu vẫn giữ cái tư tưởng “việc nhà làm đàn ông hèn đi” thì chỉ có tổ ế vợ. Ông nào may mắn lấy được vợ rồi thì cũng mất vợ như chơi ấy. Nói chung chưa quán triệt được tư tưởng thì đừng có mơ tưởng lấy vợ làm gì, nếu không lại khổ con, khổ cái”. 

dai ca osin
Ảnh minh họa

Tôi cũng chưa kịp “tiêu hóa” cái bài học về cái gọi là cuộc sống hôn nhân thì chị Vân, vợ anh Tùng về đến nhà. Chị tay xách nách mang rau dưa, thịt cá, giấy vệ sinh… Vừa thấy tôi, chị đã vồn vã, đon đả mời tôi ở lại ăn cơm. Nhìn gia đình nhỏ ríu rít vui đùa, đầm ấm hạnh phúc trong tôi như vỡ ra một điều gì đó.       

Công Thành