Ai đang “loạn chuẩn”?

06:50 | 18/08/2013

1,647 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
So với các thế hệ cha ông mình khi trước, các bạn thanh thiếu niên Việt Nam bây giờ được thừa hưởng những điều kiện đầy đủ và thuận lợi hơn rất nhiều. Truyền thống yêu nước là điều mà tất cả mọi người dân trên dải đất hình chữ S đều phải cố gắng gìn giữ và phát huy. Thế nhưng, dường như trong thời buổi kinh tế thị trường, toàn cầu hóa như hiện nay, bài học về lòng yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc lại đang có phần bị xem nhẹ ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt. Đây thực sự là một vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ.

Khó có thể cân đong đo đếm được chính xác rằng, trong thời chiến và thời bình, ở thời đại nào thì người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên có truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc nhiều hơn, bởi lẽ mỗi thời mỗi khác, tình hình đất nước không giống nhau đòi hỏi con người ta có những biểu hiện khác nhau trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại là nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ ngày nay đang sống có phần quá dễ dãi để rồi “đánh rơi” mất ý thức tự tôn dân tộc một cách vô tình hay cố ý, khiến cho bài học về “truyền thống yêu nước” mà họ được giáo dục suốt từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành bị xóa nhòa. Sau đây là một số biểu hiện của sự thiếu ý thức tự tôn dân tộc của một bộ phận giới trẻ Việt hiện nay.

Sử dụng tùy tiện và tràn lan tiếng Việt lệch chuẩn

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên truyền thống văn hóa và đặc trưng của một đất nước, một dân tộc chính là ngôn ngữ. Tiếng Việt của chúng ta đẹp đẽ là thế, trong sáng là thế, vậy mà ngôn ngữ cao quý ấy của dân tộc lại đang bị nhiều bạn trẻ sử dụng lệch chuẩn và tùy tiện trong nhiều trường hợp. Thôi thì đủ kiểu “biến thể” tiếng Việt được các bạn trẻ sử dụng tràn lan khi online trên Facebook và nhắn tin trên điện thoại di động như: viết tắt từ ngữ (ví dụ: “đc” = “được”, “ck” = “chồng”, “vk” = “vợ”, “bít rùi” = “biết rồi”, “lw nhá” = “làm quen nhé”, “a iu e” = “anh yêu em”…); sử dụng tràn lan từ lóng, thuật ngữ tự chế (ví dụ: “ngon”: ý chỉ cô gái có vẻ đẹp hình thể hấp dẫn; “xõa”: ăn chơi; “xếp hình”: quan hệ tình dục…). Những từ ngữ này thường mang sắc thái ngữ nghĩa thiếu trong sáng và lành mạnh nhưng lại được sử dụng khá phổ biến không chỉ trên trong thế giới ảo mà cả ngoài cuộc sống thật.

Không chỉ nhiều bạn tuổi teen ưa sử dụng ngôn ngữ làm biến dạng tiếng Việt một cách trầm trọng, mà ngay cả nhiều trang báo mạng và trang tin tức điện tử cũng sử dụng một số lượng khá lớn từ ngữ “tự chế” phản cảm làm biến dạng tiếng Việt chỉ nhằm mục đích giật gân, câu khách. Chỉ cần lướt qua một vài trang tin điện tử như kenh14.vn, 24h.com.vn… ta có thể dễ dàng bắt gặp tràn lan những từ ngữ mà các trang “lá cải” này tự chế như: “lộ hàng, khoe hàng, tự sướng…” với tần suất không phải là nhỏ.

Chưa bao giờ giới nghệ sĩ showbiz Việt lại có nhiều “danh xưng”, “danh hiệu” phải nói là chẳng hay ho gì như hiện nay. Phần lớn danh xưng lạ hoắc này được (bị) truyền thông “lá cải” “chế” ra và sử dụng với tần suất lớn, như một điều hiển nhiên khi cần thông tin, phản ánh về đời sống nghệ sĩ. Người mẫu Ngọc Trinh được khoác “danh hiệu chế” là “Nữ hoàng nội y”, ca sĩ Thu Minh được gọi là “Sexy lady”, người mẫu kiêm diễn viên Phi Thanh Vân thôi thì đủ thứ biệt danh như: “Nữ hoàng dao kéo”, “người đẹp dao kéo”, “người mẫu tát tút”... Ngay cả với một ca sĩ mới bước chân vào nghề là Uyên Linh, sau thành công với bài hát “Đường cong” trong chương trình “Vietnam Idol” cũng được các trang mạng “lá cải” giật tít gây sốc “Sexy lady Uyên Linh khoe đường cong gợi cảm trong giọng hát mình”...

PGS.TS Phạm Văn Tình (nguyên cán bộ Phòng Ngữ pháp học, Viện Ngôn ngữ học) nhìn nhận: “Cách viết, sử dụng văn tự của ngôn ngữ mạng Internet nếu đối chiếu với tiếng Việt có nhiều biểu hiện bất bình thường, thậm chí lệch chuẩn”. Đơn cử như từ “Sao Việt khoe” có tới 14.700.000 kết quả trên các trang web từ Việt Nam. Từ “khoe” vốn hiện hữu trong Tiếng Việt từ lâu nhưng gắn từ này với những từ nhạy cảm để phản ánh đời sống, hậu trường nghệ sĩ như “khoe hàng”, “khoe ngực”, “khoe chân dài” thậm chí cả “khoe mông”, “khoe vòng 3”... thực sự chỉ xuất hiện trên các trang mạng “lá cải” khoảng dăm ba năm trở lại đây. Loại trừ số ít những nghệ sĩ “bám víu” vào những điều không hay ho này để đánh bóng tên tuổi thì với đặc thù nghề nghiệp, nhiều nghệ sĩ hoàn toàn không có dụng ý “khoe”. Như nghề người mẫu, trình diễn những bộ thời trang trên sàn catwalk thì rõ ràng là trình diễn, tác nghiệp nhưng khi các trang mạng “lá cải” đưa tin, ảnh đến với công chúng là “khoe chân dài miên man”, “khoe ngực khủng”, “khoe vòng 3”... rõ ràng không phù hợp với thị hiếu chung, gây phản cảm cho người đọc cũng như làm ảnh hưởng đến hình ảnh, hình tượng nghệ sĩ nước nhà.

Việc một số lượng không nhỏ người trẻ Việt Nam có xu hướng sử dụng tùy tiện và tràn lan ngôn ngữ lệch chuẩn, làm méo mó và tổn hại đến sự trong sáng của tiếng Việt thực sự là một biểu hiện đáng báo động của việc thiếu ý thức tự tôn dân tộc, thể hiện rằng họ không nhận thức được đầy đủ và đúng đắn về quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân Việt Nam khi được sử dụng đúng ngôn ngữ mang nét đẹp truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc.

Xu hướng sính hàng ngoại

Mặc dù Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn kêu gọi, vận động mọi người dân Việt Nam thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người Việt, nhất là các bạn thanh, thiếu niên có xu hướng thích dùng hàng ngoại hơn là các mặt hàng nội địa. Ngay từ khi mới sinh, những đứa trẻ đã được bố mẹ “mặc định” rằng, dùng sữa bột ngoại nhập đắt tiền hơn sẽ tốt hơn. Đến tuổi dậy thì, các em bắt đầu biết để ý chăm chút đến ngoại hình của bản thân thì những trang phục, phụ kiện theo xu hướng thời thượng của Hàn Quốc hay theo “kiểu Tây” sẽ được các em ưu ái lựa chọn vì nghĩ rằng mình ăn mặc như thế sẽ hợp mốt, thời thượng hơn, sang hơn. Chúng cũng thích ăn uống ở những cửa hàng fastfood theo kiểu Tây như gà rán KFC, BBQ hay mỳ Ý và bánh pizza ở Pepperonis, Hot Rock…

Trào lưu ăn mặc thoáng quá lố của khá nhiều bạn gái khi ra đường: phong cách Tây hóa hay sự lố bịch?

Cô bạn tôi có lần than về đứa em gái mới học đến lớp 6 đã biết  “ăn diện”, son phấn, quần áo toàn chơi đồ hiệu đắt tiền. Nó còn nằng nặc vòi vĩnh bố mẹ phải mua iphone, ipad để bằng anh bằng em và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập với bạn bè. Bố mẹ phần vì thương con, phần vì muốn chứng tỏ “gia đình có điều kiện” nên đành tặc lưỡi chiều nó. Thế mới biết sức cuốn hút của các mặt hàng ngoại lớn đến thế nào với các bạn thanh thiếu niên bây giờ.

Nhiều bạn trẻ ngày nay cũng đua nhau đi học các thứ ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn… phần vì sở thích bản thân và nhu cầu của nhà tuyển dụng, phần vì chạy theo phong trào và ảnh hưởng từ bạn bè, trong khi có thể vốn từ vựng Tiếng Việt để giao tiếp và soạn thảo văn bản thông thường để gây cảm tình với người đối diện hoặc với cấp trên có thể vẫn còn chưa vững. Kéo theo đó là phong trào “du học tự túc”, làn sóng di cư ra nước ngoài không cần quan tâm đến thực lực và khả năng hòa nhập môi trường mới của bản thân mình có đáp ứng được hay không của khá nhiều bạn trẻ. Trên những con phố sầm uất như Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định, Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội)… tồn tại rất nhiều những biển hiệu dày đặc tên tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… và không ít trong số những biển hiệu này vi phạm Luật Quảng cáo.

Một người bạn khác của tôi là du học sinh bên Trung Quốc, vừa về Việt Nam nghỉ hè, bạn đã cho biết: “Ở Trung Quốc, các cửa hàng gần như không bao giờ đề tên Tây chứ không như Việt Nam, cửa hàng, cửa hiệu đề tên Việt thì ít mà tên Tây thì tràn lan như chúng ta. Chỉ cần hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả hấp dẫn, thái độ phục vụ khách hàng tốt thì dẫu là tên Tây hay tên ta thì vẫn có thể thu hút khách hàng, không chỉ là người Việt mà cả người nước ngoài”.

Nhà hàng trên phố Trần Duy Hưng có biển hiệu hầu hết là tiếng Hàn Quốc còn hàng chữ tiếng Việt nằm dưới cùng với kích cỡ nhỏ hơn hẳn

Tại sao nhiều hàng hóa Việt Nam có chất lượng, mẫu mã không hề thua kém hàng ngoại, thậm chí giá cả còn rẻ hơn, vậy mà vẫn không thu hút được nhiều người Việt? Nguyên nhân xuất phát từ việc quảng bá sản phẩm nội chưa tốt hay bởi chính lối nghĩ và thói quen sính ngoại đã “ăn vào máu” của người Việt từ nhiều thế hệ? Hàng ngoại chắc gì đã tốt, đã là hàng thật, hay chỉ gắn mác Tây, đội lốt “hàng xách tay” để trục lợi bất chính? Việc chuộng hàng ngoại, chạy theo lối sống Tây hóa một cách thái quá của một bộ phận không nhỏ người Việt hiện nay về lâu về dài sẽ khiến họ mất dần đi niềm tin vào hàng nội, truyền thống và những giá trị văn hóa dân tộc sẽ không còn được nhiều người chú trọng gìn giữ và phát huy, vì thế nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” của Việt Nam trong cơn bão toàn cầu hóa hiện nay là rất lớn. 

Xem nhẹ tính kỷ luật trong lao động

Biểu hiện đầu tiên của thói vô kỷ luật trong lao động, sản xuất mà nhiều người Việt hiện đang mắc phải đó là tật “cao su giờ giấc”, hay “đi muộn, về sớm”. Mặc dù nội quy của nhiều cơ quan, doanh nghiệp có quy định rõ giờ giấc bắt đầu làm việc là từ 7 rưỡi sáng, nhưng phải đến 8 giờ, thậm chí muộn hơn các nhân viên mới đến đủ để bắt đầu ngày làm việc mới. Thôi thì muôn vàn lý do được họ đưa ra để biện minh: nào là phải đi ăn sáng, uống cà phê cho tỉnh táo; nào là bận đưa con cái đi học; nào là tắc đường, hỏng xe… Nhiều khi họ còn xin về sớm với những lý do “giời ơi, đất hỡi” không hề liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp như kiểu “hẹn đi chơi với người yêu, ăn uống với bạn bè và người thân nên phải về sớm”. Một lần, hai lần chỉ bị lãnh đạo nhắc nhở, cảnh cáo chứ không bị kỷ luật gì nặng rồi cứ thế được đà, nhiều người lao động khác đua nhau bắt chước. Ý thức kỷ luật kém khiến cho chất lượng, hiệu quả công việc giảm sút, hình ảnh doanh nghiệp và người lao động bị tổn hại.

Những cửa hàng fast food đồ ăn Tây như KFC hay Pepperonis thu hút giới trẻ đang dần thay thế những quán ăn vặt vỉa hè

Một biểu hiện khác của sự thiếu kỷ luật trong lao động, thể hiện ý thức tự tôn dân tộc kém, đó là thói quen nghỉ việc không xin phép, tự ý đình công của một bộ phận người Việt đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ông Đoàn Kiến Trung (Phó ban Quản lý Lao động và Chuyên gia Việt Nam (VN), Đại sứ quán VN tại Malaysia) còn kể một chuyện “dở khóc, dở cười” về tình trạng đình công tự phát của lao động VN tại Malaysia: Có một nhóm lao động VN đang làm việc cho một nhà máy ở Penang ăn thịt chó, bị ngộ độc và chủ doanh nghiệp phải đưa đi bệnh viện để rửa ruột. Thấy những người bị ngộ độc, nằm viện không đi làm, tất cả lao động còn lại cũng giả vờ đau bụng và nghỉ việc. Bị đơn đặt hàng thúc tới chân, chủ doanh nghiệp phải cầu cứu Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia. Khi ông Trung đến nơi thì thấy nhiều lao động vờ đau bụng để đình công nhưng lại đi siêu thị chơi.

Trả lời ông Trung vì sao đình công, những người này nói: “Tụi em biết là sai, nhưng thấy mấy người kia nghỉ nên tụi em cũng... nghỉ theo!”. Một mặt thuyết phục người lao động trở lại làm việc cho đúng luật, một mặt ông Trung đứng ra xin lỗi chủ doanh nghiệp, đề nghị “bỏ qua” vì chủ doanh nghiệp dọa sau khi làm xong đơn đặt hàng thì sẽ cắt hợp đồng với nhóm lao động kia. Ông Đoàn Kiến Trung cho rằng: “Sự việc trên chứng tỏ trình độ nhận thức của lao động chúng ta còn kém. Vai trò của Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia là bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng phải là quyền lợi hợp pháp và chính đáng. Tình trạng đình công vô lối, tùy thích của người lao động Việt Nam tại Malaysia là khá phổ biến, làm sụt giảm sức cạnh tranh của lao động chúng ta tại thị trường này”.

Tại sao các doanh nghiệp nước ngoài khi tổ chức thi tuyển công chức thường có xu hướng thích chọn người Nhật Bản hơn so với người Việt mình, mặc dù trình độ và khả năng làm việc như nhau. Đó là bởi ý thức kỷ luật trong lao động của họ tốt hơn ta, chính vì thế sẽ tạo dựng được ấn tượng tốt trong mắt người nước ngoài không chỉ về bản thân người lao động mà còn là hình ảnh của đất nước và con người Nhật Bản. Người Việt nên rèn luyện tác phong làm việc rất nghiêm túc và chuyên nghiệp đó.

Thiếu ý thức trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước

Giới trẻ ngày nay có những điều kiện tốt hơn trong đời sống vật chất và tinh thần, nhiều bạn được bố mẹ chu cấp đầy đủ từ bé đến lớn. Việc nuông chiều, quan tâm thái quá của các bậc phụ huynh khiến cho một số thanh thiếu niên trở nên ích kỷ, vô tâm, sống thiếu định hướng và ý chí vươn lên do tâm lý đã có “bố mẹ lo đầu ra, không đến lượt mình lo”. T.N.A (Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng) nói một cách vô tư: “Sức học của em chỉ ở mức trung bình, lại chỉ học ở trường dân lập, thế nên cơ hội đỗ đại học gần như là con số không. Thế nhưng, em không lo chuyện sau này có xin được việc hay không, bởi lẽ bố mẹ em đã lo cho em “đầu ra” rồi”.

Ngôn ngữ tiếng lóng mới như ma trận của teen Việt hiện nay

Còn L.T.H.A (sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội) lại có suy nghĩ khá hài hước: “Theo em nghĩ, con gái không nên học cao quá, khó lấy chồng. Chỉ cần đầu tư, chăm chút nhan sắc, cố kiếm lấy tấm chồng tốt, nhà cửa đàng hoàng thế thôi. Sau đó có thể ở nhà chồng nuôi hoặc đi làm phụ thêm một việc gì đó miễn là mình thích”. Chính vì tâm lý tiêu cực ấy mà hiện nay, không ít các bạn trẻ mất dần lý tưởng sống và ý chí vươn lên trong học tập, lao động để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và cống hiến cho Tổ quốc, ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của bản thân và xã hội.

Nói tóm lại, những biểu hiện thiếu ý thức tự tôn dân tộc như kể trên vẫn đang tồn tại trong đời sống của một bộ phận người Việt, đặc biệt là trong tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay. Nó vẫn đang âm thầm tồn tại trong suy nghĩ của không ít người dân Việt Nam và về lâu dài sẽ khiến cho chúng ta mất dần truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc, khiến cho khẩu hiệu “hòa nhập chứ không hòa tan” bị xóa nhòa. Hơn ai hết, các bạn trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước hãy thật tỉnh táo và trưởng thành trong suy nghĩ và hành động để xứng đáng là “con Rồng, cháu Tiên”, đưa đất nước tiến lên một tầm cao mới để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu vẫn hằng mong đợi.

Đăng Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc