Afghanistan: Tan rồi giấc mơ hòa giải

14:57 | 22/09/2011

658 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cái chết của ông Rabbani đánh dấu cuộc đàm phán với Taliban đã thất bại, khiến Afghanistan có nguy cơ trượt vào một cuộc nội chiến đẫm máu sau khi các lực lượng nước ngoài rút lui.

Tại Afghanistan, chiếc khăn xếp là một biểu tượng vượt qua những khác biệt của các bộ lạc. Tất cả các nhóm bộ lạc đều đội khăn xếp, từ người Tajicks, người Uzbeks chiếm đa số ở miền Bắc, tới người Pashtuns sinh sống ở miền Nam. Taliban cũng đội khăn xếp và các chiến binh bộ lạc chống lại Taliban không thể thiếu chúng trên đầu. Mặc dù không được thịnh hành trong thời trang của giới trẻ và người thành thị, tuy nhiên, khăn xếp vẫn là một biểu tượng về lòng tự trọng và vị thế của một người đàn ông trong xã hội. Việc tặng chiếc khăn xếp của một người được coi là một biểu tượng sâu sắc về quan hệ họ hàng và lòng trung thành. Tới nay, việc cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani bị một kẻ đánh bom liều chết ám sát, bằng cách vấn thuốc nổ vào khăn xếp và cho kích nổ quả bom này, biểu tượng hòa bình đó đã bị phá vỡ thành một tuyên bố chiến tranh.

Cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani.

Ông Rabbani là người đứng đầu Hội đồng Hòa bình Tối cao của Afghanistan, một cơ quan được Tổng thống Hamid Karzai thành lập tháng 10/2010, có nhiệm vụ đàm phán với phong trào Taliban. Trong gần một năm tồn tại, Cơ quan này đã đạt được rất ít tiến bộ. Và dù, một loạt những vụ ám sát nhằm vào các nhân vật cấp cao tương tự trong những tháng gần đây đã chỉ ra rằng Taliban không quan tâm đến bất kỳ hình thức hòa giải nào, ông Rabbani vẫn kiên trì. Có lẽ đó là một hy vọng lẻ loi, nhưng phải thừa nhận rằng với thời hạn rút toàn bộ các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan vào năm 2014 đang dần tới, quốc gia Trung Á này không có nhiều lựa chọn cho hoà bình ngoài thoả hiệp chính trị với các lãnh đạo của phe nổi dậy.

Ông Fazel Karim Aymaq, thành viên của Hội đồng Hòa bình Tối cao cho biết kẻ đã giết ông Rabbani là một đại diện đã được tin cậy của Taliban. Ông Aymaq cho biết hai tên sát nhân đã đến nhà của ông Rabbani, mang theo những “thông điệp đặc biệt” của Taliban và “rất đáng tin”. Chúng có lẽ đã được kiểm tra trước khi vào nhà, nhưng chắc chắn đã không bị yêu cầu bỏ khăn, bởi làm vậy sẽ có ý nghĩa xỉ nhục lớn. Khi hai kẻ đánh bom vào tới phòng khách của ông Rabbani, một trong tên đã cúi đầu xuống vai của ông Rabbani và kích nổ khối thuốc nổ mà hắn vấn trong chiếc khăn xếp của hắn. Kẻ đánh bom chết ngay lập tức, đồng bọn của hắn bị thương nặng, trong khi ông Rabbani cũng thiệt mạng ngay tại hiện trường.

Ông Rabbani là một người ít nói, bộ râu trắng như cước và dáng vẻ đạo mạo của của ông có vẻ tương phản với một người đàn ông có ý chí mạnh mẽ và hết sức khôn ngoan. Từng là một trong những chỉ huy một lực lượng thánh chiến lớn trong thời quân đội Liên Xô có mặt ở Afghanistan, ông Rabbani đã trở thành Tổng thống Afghanistan sau cái chết của của người tiền nhiệm vào năm 1992. Tuy nhiên, với tư cách là một người Tajik đến từ Badakshan, quyền lực của ông tại một đất nước mà người Pashtun chiếm đa số luôn là một dấu hỏi. Thời gian ông nắm quyền được đánh dấu bằng một cuộc nội chiến đẫm máu và kết thúc khi lực lượng Taliban chiếm Kabul vào năm 1996. Ông Rabbani cùng nhiều lãnh đạo quân sự khác đã rút về phía Bắc, và chỉ tái xuất hiện vào năm 2001 như một lãnh đạo trên danh nghĩa của Liên minh Phương Bắc, một lực lượng chống Taliban mới được tái tổ chức khi đó.

Người Afghanistan cầm ảnh chân dung cựu Tổng thống Rabbani khi biểu tình tại Kabul ngày 21/9. (Ảnh: AFP).

Cũng giống như nhiều tư lệnh chiến trường từ kỉ nguyên nội chiến, ông Rabbani bị các nhóm nhân quyền Afghanistan cho là đã có nhiều vi phạm nhân quyền lớn, nhưng ông đã không khéo từ bỏ danh tiếng tư lệnh chiến trường của ông từ trước đó và gia nhập chính trường của Afghanistan, trở thành một quân sư chính trị của quốc gia Trung Á này. Năm 2009, ông định tham gia tranh cử Tổng thống, ông nói với TIME rằng cảm thấy thất vọng với ông Karzai. Ông nói: “Mỗi năm trôi qua, tình hình ngày càng tồi tệ hơn, an ninh ngày một kém, tham nhũng ngày một tăng trong khi niềm tin vào chính phủ đang bị mất đi. Theo tôi, nguồn gốc của tất cả những vấn đề này là sự yếu kém và thiếu năng lực của chính phủ”.

Sau đó, các thành viên trong nhóm chính trị mới của ông, phần lớn đến từ Liên minh Phương Bắc cũ, thậm chí đã nói tới việc tự trang bị vũ khí để chống lại mối đe doạ về sự quay trở lại của Taliban. Việc ông Rabbani cuối cùng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Tối cao Afghanistan theo yêu cầu của Tổng thống Karzai không chỉ nói lên sự khôn khéo trong chính trị của ông, mà có lẽ còn là sự thừa nhận rằng chỉ có những người ở tầm cỡ như ông mới có thể đảm bảo được sự ủng hộ của Liên minh Phương Bắc đối với tiến trình hòa giải ở đất nước này.

Cái chết của ông Rabbani đã đặt những thành tựu mong manh kể trên vào sự nghi ngờ và đặt nền móng cho một cuộc nội chiến một khi các lực lượng nước ngoài rút đi. Nhiều chỉ huy chiến trường trong Liên minh Phương Bắc đã tái xuất, củng cố lực lượng dân binh của họ, tích trữ vũ khí và đạn dược. Những người trong liên minh này từ lâu đã lo ngại rằng, Tổng thống Karzai, một người dân tộc Pashtun đang có quan hệ ngày một gần gũi với Taliban. Và bây giờ, sau vụ ông Rabbani bị ám sát, họ có thể cho rằng những quan ngại của họ là đúng.

Ngay bản thân ông Rabbani cũng biết rằng cơ hội cho một nền hòa bình lâu dài tại Afghanistan là rất mong manh. Mặc dù Taliban vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm, tuy nhiên, việc ông Rabbani bị ám sát bởi một kẻ được coi là đặc phái viên hòa bình của Nhóm này đã chứng tỏ rằng Taliban cũng không nhìn thấy khả năng hòa giải trong tương lai.

Kiến Văn – TIME

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc