9 năm chứng kiến cuộc chiến ở Trung Đông

10:08 | 25/06/2016

1,165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mảnh đất hình lưỡi mác nằm ở phía đông biển Địa Trung Hải là mảnh đất thiêng, xứ sở của ba tôn giáo lớn của thế giới. Mảnh đất ấy cũng là nơi cư trú của người Palestine và người Do Thái hàng ngàn năm nay. Petrotimes xin giới thiệu những cảm nhận sâu sắc của người từng sống và công tác 9 năm ở các nước Arập cũng như có gần 40 năm theo dõi tình hình Trung Đông.
giac mo yen binh ixraen palextin
Mong ước hòa bình của người dân Israel-Palestine

Người ta bảo giá như người Palestine và người Arập không tiến hành cuộc chiến tranh năm 1948 chống Israel để phản đối nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc thành lập hai nhà nước Palestine và Do Thái thì tình hình sẽ khác. Giá như Palestine và người Do Thái chấp nhận nghị quyết của LHQ và sống hòa thuận với người láng giềng của mình thì tình hình sẽ không như ngày nay. Và giá như người Do Thái không có tư tưởng quá bành trướng thì tình hình đã khác.

Cuộc chiến tranh năm 1948 giữa liên quân Ai cập, Syria, Jordani, Iraq, Palestine…với Israel ngay sau khi nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948 đã gây nên sự thù hằn sâu sắc giữa người Arập- Palestine suốt 68 năm qua. Và không chỉ một cuộc chiến tranh đó mà còn có thêm tới 4 cuộc chiến tranh nữa do phía Arập tiến hành bất ngờ chống Israel trong các năm 1956 (Chiến tranh Suez), 1967 (Chiến tranh 6 ngày), 1973 (Chiến tranh Yom Kippur), 1981 (Chiến tranh Liban) cùng hai cuộc nổi dậy vang dội khắp vùng Bờ Tây và dải Gaza mà người Palestine gọi là Intifata khiến cho việc xây dựng lòng tin giữa hai tộc người trên mảnh đất đó trở nên hết sức khó khăn.

Sau cuộc chiến tranh năm 1948, gần một triệu người Palestine phải bỏ chạy ra nước ngoài và sống tỵ nạn tại các nước Arập anh em như Ai cập, Jordani, Syria, Iraq, Kuweit, Tunidi, Lybia… Và giờ đây số dân Palestine tỵ nạn tại các nước Arập này đã lên tới khoảng trên dưới 5 triệu người. Số dân sống trong vùng đất bị Israel chiếm đóng ở Bờ Tây và dải Gaza cũng lên tới hơn 3 triệu người.

Nỗi niềm phải sống xa tổ quốc của những người Palestine tỵ nạn là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai. Và mong ước được trở về quê hương của họ thật chính đáng nhưng lực bất tòng tâm. Nắm được ước vọng cháy bỏng ấy, đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ông Y. Arafat, một trí thức trẻ Palestine sống tỵ nạn tại Ai Cập đã thành lập Tổ chức Al Phatah tập hợp hàng ngàn thanh niên yêu nước Palestine vào tổ chức này. Rồi một loạt các tổ chức yêu nước Palestine ở các nước khác như ở Syria, Iraq… cũng được thành lập và cuối cùng họ họp nhau lại thành lập một tổ chức lớn hơn đó là Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) dưới sự lãnh đạo của Y.Arafat. PLO có tiếng vang lớn trên toàn thế giới.

PLO có lực lượng vũ trang của mình và chiến đấu rất dũng cảm, dũng cảm nhất trong các quân đội của thế giới Arập. Đội quân này đóng quân chủ yếu ở Jordani, ngay sát với lãnh thổ Palestine. Nhưng năm 1979 do âm mưu chiếm đất của Jordani làm căn cứ riêng của mình nên PLO đã bi vua Hussain đánh đuổi khỏi Jordani. PLO chạy sang miền Nam Liban lập căn cứ tại đây. Năm 1981, Israel tấn công Nam Liban, buộc quân PLO chạy lên cố thủ tại thủ đô Bây rút của Liban.

Sau nhiều ngày bị bao vây tại Beirut với những trận chiến đấu gan dạ chống quân Israel, PLO bị vây hãm rất nguy kịch, LHQ phải đứng ra dàn xếp để cho PLO thoát hiểm, đưa quân sang Syria và Tuynidi. Tôi còn nhớ một đêm cuối mùa hè năm 1981 tôi cùng các phóng viên quốc tế khác từ Damas đi thành phố cảng Tactus bên bờ Địa Trung Hải thuộc phía Bắc Syria để đón đoàn quân của ông Y.Arafat được LHQ đưa tới .

Tôi đã có dịp cùng các phóng viên nước ngoài tới El Arish thuộc bán đảo Sinai, ở phía bên kia kênh Suez để dự lễ Israel trao trả bán đảo này cho Ai Cập. Đây là kết qủa của việc tổng thống Ai cập Sadat ký kết hiệp ước hòa bình với Israel năm 1978. Một hiệp ước nhằm bước đầu gây dựng lại lòng tin giữa Israel và các nước Arâp nhưng lại bị cả thế giới Arập mù quáng bác bỏ và coi ông Sadat là kẻ phản bội dân tộc Arập, dẫn đến vụ sát hại ông vào tháng 10-1981.

23 nước Arập tuy cùng một dân tộc, tiếng nói, văn hóa, tôn giáo, phong tục nhưng họ lại thuộc những giáo phái khác nhau như Sunni, Chiite… vốn không đoàn kết với nhau. Ban đầu họ đồng thanh hô khẩu hiệu “Tống Israel xuống biển Địa Trung Hải”, nhưng rồi qua 4 cuộc chiến tranh chống Israel, họ vẫn không làm gì được nhà nước Do Thái này, không những thế, mỗi lần phát động chiến tranh là một lần người Arập mất thêm đất đai và sự thù địch giữa hai bên ngày một tăng lên sâu sắc.

Sau hiệp định hòa bình Ai Cập-Israel, với mong muốn thành lập nhà nước Palestine, ông Y.Arafat đã gặp thủ tướng Israel I.Rabin tại Washington. Với sự trung gian hòa giải của tổng thống Mỹ B.Clinton, hai bên đã ký kết Thỏa thuận lâm thời Israel-Palestine về dải Gaza và Bờ Tây năm 1995. Thực hiện thỏa thuận này Ban lãnh đạo PLO và các tổ chức khác trong PLO đã được Israel cho chuyển về Bờ Tây và dải Gaza để xây dựng bộ máy hành chính nhằm lập ra nhà nước Palestine độc lập.

Giống như thế giới Arập thường mất đoàn kết, Palestine cũng vậy. Tuy cùng trong một tổ chức PLO, nhưng có tới 15 mặt trận thành viên như Mặt trận dân chủ , Mặt trận nhân dân, Tổ chức Al Phatah, Mặt trận nhân dân bộ chỉ huy chung, Phong trào Hamas….Mỗi mặt trận đó lại do một nước Arập tài trợ và chi phối nên nội bộ PLO không bao giờ được yên ổn, không bao giờ đoàn kết thành một khối thống nhất. Tôi đã dự nhiều cuộc mít tinh lớn của PLO ở Syria, Liban. Bên trên ông Y.Arafat đang phát biểu, bên dưới có mấy nhóm cầm loa hô khẩu hiệu ủng hộ hoặc đả đảo, quang cảnh cứ như chợ vỡ thật đáng buồn!

Người Palestine cũng không biết điều. Họ là dân tỵ nạn, vậy mà họ xây dựng các trại tỵ nạn như những khu đô thị riêng biệt có cổng ra vào có lính gác riêng của họ. Bên trong trại tỵ nạn này là một quốc gia riêng, chính quyền nước sở tại gần như không có quyền can thiệp vào, do đó các trại tỵ nạn trở thành cái gai trong con mắt của chính quyền địa phương. Thậm chí tại Jordani năm 1981, PLO còn định chiếm luôn nước này để lập ra nhà nước Palestine ngay sát nách Bờ Tây. Do biết được âm mưu đó vua Hussein của Jordani đã cho quân đội đánh đuổi PLO sang miền Nam Liban…

Là người sống và công tác 9 năm ở các nước Arập, tôi đã có dịp thăm cả hai phía của cao nguyên Golan (phía Tây là Israel, phía Tây là Syria) tôi cũng đã đến Jerusalem, nơi cả Israel lẫn Palestine đều cho là thủ đô của mình, đã đi từ Biển Galilê ở phía Bắc qua Biển Chết tới sa mạc Nagev ở phía Nam, đã tiếp xúc với nhiều quan chức Palestine thuộc nhiều Mặt trận khác nhau, cũng như các quan chức của Israel, điều tôi nhận thấy là cả hai phía chưa tin cậy nhau, chưa chịu có những nhân nhượng đối với nhau để có thể cùng nhau chung sống trên mảnh đất thiêng liêng đó.

Bản thân người Palestine cũng chưa đoàn kết thành một khối nên khi một đường lối, chính sách do PLO đưa ra thì thường bị ngay chính một vài tổ chức trong PLO phản đối trước hoặc có chấp hành thì cũng chấp hành qua loa còn họ vẫn làm thao cách riêng của họ. Phía Israel thì luôn luôn bành trướng, chiếm càng nhiều đất càng tốt. Do vậy mà hai bên vẫn thỉnh thoảng lại nổ ra những cuộc chiến không đáng có làm thiệt hại về người và của của cả hai bên.

Tôi theo dõi tình hình Trung Đông đã gần 40 năm, nhưng xem ra tình hình ở đó không thay đổi theo chiều hướng tích cực là mấy. Liệu đến bao giờ người Palestine tỵ nạn mới được Israel đồng ý cho trở về quê hương? Liệu đến bao giờ hai bên mới có thể sống an lành bên nhau? Xem ra còn mất nhiều thời gian lắm chẳng biết đến bao giờ!

Nguyễn Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc