9 bông hồng trong Chính phủ Pháp

17:16 | 25/05/2017

2,356 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 15-5, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ định ông Édouard Philippe làm Thủ tướng. Hai ngày sau đó, nội các mới được ra mắt với nhiều nét đặc biệt, trong đó đáng chú ý là 9 vị nữ bộ trưởng.  

Việc công bố thành phần nội các mới bị hoãn lại một ngày so với dự kiến vì theo Điện Élysée, Tổng thống Macron cần có thêm thời gian để kiểm tra lại tình trạng tài chính, thuế khóa liên quan đến các thành viên chính phủ được tuyển lựa để tránh các xung đột lợi ích có thể xảy ra sau này. Theo danh sách tân nội các được Alexis Kohler, Chánh thư ký Phủ Tổng thống, thông báo lúc 15 giờ ngày 17-5, người ta có thể thấy 9 bộ trưởng nam và 9 bộ trưởng nữ, 2 quốc vụ khanh nam và 2 quốc vụ khanh nữ. 3/4số bộ trưởng là những gương mặt mới.

Nội các này bảo đảm đúng cam kết của Tổng thống Macron. Thứ nhất là nguyên tắc cân bằng giới tính. Và thứ hai, đây là nội các trung dung vì tổng cộng 22 người hầu hết thuộc các đảng phái chính trị và phe cánh khác nhau. Từ đầu tháng 5-2017, Tổng thống Macron đã tuyên bố là ông sẽ chọn lựa các bộ trưởng “dựa trên kinh nghiệm, năng lực và những gì đã làm được, chứ không phải vì đại diện cho phe nào và sức nặng chính trị của từng người”.

Tân Thủ tướng được bổ nhiệm hôm 15-5, ông Édouard Philippe, hứa hẹn một chính phủ “tập hợp những tài năng” với nhiệm vụ nặng nề trước mắt và ông không nghĩ rằng “những người muốn phục vụ nước Pháp” có thể đi nghỉ mát dài hạn trong mùa hè này. Theo ông Macron, nội các có nhiệm vụ thi hành các chương trình của ông nhằm cải tổ luật lao động và thay đổi bộ mặt chính trị Pháp. Tổng thống Macron đòi hỏi các tân bộ trưởng phải có chương trình hành động rõ ràng và hiệu quả sẽ được đánh giá hằng năm.

9 bong hong trong chinh phu phap
Tổng thống Macron và Thủ tướng Édouard cùng các thành viên nữ trong nội các mới

Trước khi được chỉ định làm Thủ tướng, ông Édouard Philippe, 46 tuổi, là thị trưởng thành phố cảng Le Havre từ năm 2014, thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa. Trước đó, ông Édouard bước vào con đường hoạt động chính trị với đảng Xã hội cánh tả khi còn là sinh viên đại học. Trong thời gian từ 2007 đến 2010, ông Édouard hoạt động trong lãnh vực tư nhân, đầu tiên làm việc cho một văn phòng luật sư Mỹ và sau đó làm giám đốc bộ phận của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Pháp (Areva).

Giới quan sát chính trị cho rằng tân Thủ tướng Pháp là một nhân vật trung dung của phe hữu. Chính trị gia biểu tượng này, ngoài khả năng và kinh nghiệm trong hai lĩnh vực tư và công để điều hành nội các mới, còn là một tín hiệu chính trị chuẩn bị bầu Quốc hội vào tháng 6 tới. Chủ nhân mới của Điện Elysée hy vọng cử tri tin tưởng vào lời hứa tập hợp tả hữu và thêm nhiều lá phiếu cho đảng Cộng hòa Tiến Bước, đang cần một đa số ở lập pháp.

Kết quả cuộc thăm dò của Hãng Elabe công bố trên kênh BFMTV ngày 17-5 cho biết, 61% người Pháp tỏ ra hài lòng với nội các mới, 65% số người được hỏi hy vọng một sự thay đổi bộ mặt chính trị Pháp dưới thời ông Macron. Đặc biệt, 87% người dân Pháp cho biết, họ có cảm tình với 9 nữ bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Macron. Với việc chỉ định bà Sylvie Goulard làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Macron muốn truyền tới các cử tri nữ thông điệp là phụ nữ có những vị trí quan trọng trong chính phủ mới.

8 bộ còn lại do phụ nữ nắm quyền điều hành gồm Bộ Y tế và Xã hội (bà Agnès Buzyn); Bộ Văn hóa (bà Françoise Nyssen); Bộ Lao động (bà Muriel Penicaud); Bộ Hải ngoại (bà Annick Girardin); Bộ Thể thao (bà Laura Flessel); Bộ Chuyên trách các vấn đề châu Âu (bà Marielle de Sarnez); Bộ Sinh thái và Đoàn kết (bà Elisabeth Borne) và Bộ Tình báo cấp cao; Nghiên cứu và Sáng tạo do bà Frédérique Vidal đảm trách. Ngoài ra còn có 2 phụ nữ đảm nhiệm chức vụ Quốc vụ khanh là bà Marlène Schiappa, phụ trách Bình đẳng giới và bà Sophie Cluzel, phụ trách Người tàn tật. Nữ bộ trưởng trẻ nhất là bà Laura Flessel, 45 tuổi phụ trách Thể thao và người cao tuổi nhất là bà Marielle de Sarnez, 66 tuổi.

Người dân Pháp nói chung đánh giá rất cao quan điểm của tân Tổng thống Macron với vai trò của phụ nữ trong xã hội Pháp hiện nay. Bởi lẽ câu chuyện tình của ông với người vợ hơn ông 2 giáp không những làm lay động nhiều trái tim cử tri Pháp mà còn là đề tài cảm hứng cho nhiều cuộc tranh luận trên các mạng xã hội ở nước ngoài. Báo chí Anh viết rằng, chiến thắng của ông Macron là nhờ sự góp sức của người vợ Brigitte Trogneux do hình ảnh cặp đôi đặc biệt này khiến cử tri thấy Macron là người đứng đắn, chín chắn. Cử tri nữ yêu quý Macron, người dám vì tình yêu mà phá bỏ khuôn mẫu thông thường. Sức lan tỏa của hình mẫu tình yêu Macron - Trogneux thậm chí còn gây sốt tại Trung Quốc. Hồi cuối tháng 4-2017, trên trang mạng Weibo của Trung Quốc, từ khóa “anh ấy cưới một người vợ lớn hơn mình 24 tuổi” đã thu hút được hơn 6 triệu lượt người xem.

Bàn về thành phần nội các đa đảng phái của Tổng thống Macron, Giáo sư Trường Khoa học Chính trị Grenoble - Olivier Ihl - cho rằng, việc thành lập nội các với thành phần như trên là nhằm “quyến rũ” cử tri trong kỳ bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới.

Có một điều đặc biệt trong nội các mới của Tổng thống Macron đã được phóng viên của Hãng AFP thường trú tại Berlin phát hiện. Đó là có 5 thành viên ít nhiều liên quan tới nước Đức. Đầu tiên phải nói đến Thủ tướng Édouard Philippe. Ông Édouard sinh ra tại Bonn, thủ đô của Đông Đức cũ. Tại đây, ông học hết cấp 3. Cha ông là hiệu trưởng một trường cấp 3 của Pháp ở Đông Đức. Kế đến là Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế. Ông Le Maire thường xuyên được các đài truyền hình Đức mời tham gia các chương trình bình luận thời sự chính trị Pháp và châu Âu. Theo AFP, ông Le Maire là một đồng minh yêu thích của Đức, nhất là trên vấn đề cải tổ khu vực đồng tiền chung châu Âu và là cặp bài trùng với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble trong các chương trình này.

Bộ trưởng Quốc phòng, Sylvie Goulard, là người góp công rất lớn cho quan hệ Pháp - Đức và xây dựng châu Âu. Bà là người trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán thống nhất nước Đức và là tác giả của nhiều cuốn sách về đề tài này.

Cố vấn Ngoại giao cho Tổng thống Macron là Philippe Etienne, cựu Đại sứ Pháp tại Berlin. Chưa hết, Bộ trưởng Bộ Quy hoạch Phát triển, Richard Ferrand là người nói tiếng Đức trôi chảy, ông từng học 2 năm cấp 3 ở Đức. AFP không quên kể đến Daniel Cohn-Bendit, người song tịch Đức - Pháp, có quan điểm ủng hộ châu Âu và thường xuyên tham gia các phái đoàn đàm phán Đức - Pháp. Thậm chí ông còn được nhiều đài truyền hình Đức mời tham gia bình luận bóng đá.

Theo AFP, nội các của Tổng thống Macron có nhiều thành viên “thân” Đức nhất trong số các chính phủ tiền nhiệm. Dưới thời ông Hollande, chỉ có cựu Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault là người giỏi tiếng Đức.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ông Macron chọn nhiều người liên quan đến Đức cho chính phủ của mình. Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Macron dành chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Đức, để cùng Thủ tướng Merkel mở ra một trang sử mới trong quan hệ Paris - Berlin, đem lại một làn gió mới cho Liên minh châu Âu. Ông Emmanuel Macron lên cầm quyền trong bối cảnh cách nay chưa đầy một năm, người dân Anh bỏ phiếu đưa nước này ra khỏi châu Âu - Brexit. Các phong trào bài châu Âu tại nhiều nước thành viên, từ Hà Lan đến Áo và nhất là ở Pháp liên tục dâng cao. Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ kinh tế, an ninh đến vấn đề nhập cư.

Theo giới phân tích, chuyến công du Đức không chỉ là một bài toán trắc nghiệm về quan hệ Paris - Berlin mà còn mang tính định đoạt cho một Liên minh châu Âu đang có nguy cơ bị tan rã. Trục Paris - Berlin luôn được coi là động cơ của con tàu châu Âu. Cố vấn đặc biệt của Viện Nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS), François Heisbourg, còn đi xa hơn khi cho rằng, Đức và châu Âu sẽ là “tâm điểm trong chính sách đối ngoại” của Tổng thống Macron và tất cả nỗ lực của tân Tổng thống Pháp sẽ xoay quanh châu Âu.

S.Phương