81 doanh nghiệp dệt may ký Thỏa ước lao động tập thể

16:34 | 24/06/2011

527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức Lễ ký Thỏa ước lao động tập thể cho 81 doanh nghiệp dệt may. Đây là năm thứ hai Thỏa ước được đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện sau 1 năm tiến hành thí điểm.

Buổi lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Việc thực thi thỏa ước sẽ đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, góp phần giảm thiểu đình công, lãn công bất hợp pháp. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, so với năm ngoái, năm nay có thêm 12 doanh nghiệp tham gia ký kết Thỏa ước. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đăng ký tham gia, nên sẽ có thêm nhiều thỏa ước được ký kết trong thời gian tới.

Năm 2010, Thỏa ước lao động tập thể được triển khai thí điểm với 69 doanh nghiệp tham gia, đã thu được những thành công bước đầu. Nhiều doanh nghiệp sau khi tham gia thỏa ước ngành đã điều chỉnh chế độ có lợi hơn cho người lao động, nên không có đơn vị nào để xảy ra đình công, giảm thiểu tình trạng biến động lao động.

Năm nay, Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may sẽ được sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: mức ăn giữa ca áp dụng theo từng vùng nay sẽ được tăng lên, đồng thời áp dụng theo 4 vùng khác nhau; tăng mức thu nhập tối thiểu của công nhân viên. Đối với các đơn vị đã đạt mức cao hơn chế độ quy định trong Thỏa ước tại thời điểm ký kết, thì người sử dụng lao động phải đảm bảo tối thiểu bằng các mức đã đạt được.

Bên cạnh đó, Thỏa ước tập thể ngành sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm, thay vì 1 năm như trong thời gian thí điểm năm 2010. Với những điều chỉnh này, Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may sẽ là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền lợi cho cả người sử dụng lao động và người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong ngành dệt may.

Diệu Thuần