7 nhận định về cơ cấu năng lượng tại Trung Quốc

06:50 | 29/03/2018

|
(PetroTimes) - Căn cứ trên các dữ liệu của Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) và Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), mới được công bố, Thibault Laconde, kỹ sư và chuyên gia tư vấn năng lượng người Pháp, chỉ ra một số thông tin rất bất ngờ.

Đang cắt giảm nguồn năng lượng hóa thạch?

Nhìn bề ngoài thì đúng vậy: tỷ lệ năng lượng hóa thạch (NLHT) trong hỗn hợp điện của Trung Quốc đã giảm từ mức 71,8% trong năm 2016 xuống còn 70,9% vào năm 2017. Nhưng thật ra nguyên nhân của tình trạng này là vì cùng lúc đó, mức tiêu thụ điện của Trung Quốc đã tăng thêm 6,5%, nên tỷ lệ NLHT trong hỗn hợp năng lượng của quốc gia này mới giảm đi. Vào năm 2017, sản lượng điện đến từ khí đốt và trên hết là từ than đá đã tăng lên 220TWh. Điều này có nghĩa là, so với các nguồn năng lượng khác cộng lại thì sản lượng NLHT có mức tăng cao nhất.

7 nhan dinh ve co cau nang luong tai trung quoc

Ở đâu trong bảng xếp hạng?

Đúng là kể từ năm 2007, Trung Quốc là quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Nhưng lý do là vì dân số của Trung Quốc quá đông… Trên thực tế, Trung Quốc đứng giữa bảng xếp hạng vì nhiên liệu hóa thạch chiếm gần 3/4 trong hỗn hợp năng lượng của quốc gia này. Hiện nay, Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 8 trong nhóm các nền kinh tế lớn G20, vượt qua Ấn Độ hay các quốc gia phát triển như Nhật Bản và Australia.

Dĩ nhiên, các cơ quan thống kê của Trung Quốc đã cố gắng “làm đẹp” tình hình năng lượng hiện nay tại quốc gia này bằng cách gộp chung số liệu của các loại nhiên liệu hóa thạch rất ô nhiễm với khí đốt, ít ô nhiễm hơn 3 lần. Nếu tách bạch ra thì với 95% năng lượng từ than đá, Trung Quốc được xếp vào top 10 quốc gia có cơ cấu năng lượng “bẩn” nhất thế giới nhưng vẫn cao hơn nhiều so với Nam Phi hay Ba Lan.

Đầu tư mạnh vào năng lượng hạt nhân?

Trong ngành công nghiệp hạt nhân, Trung Quốc luôn được xem “miền đất hứa” vì các mục tiêu mà quốc gia này đặt ra rất ấn tượng: tăng lượng điện hạt nhân tạo ra từ 28 lên 58GW từ năm 2016 đến năm 2020, và họ còn đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân có công suất hơn 30GW. Thậm chí quốc gia này còn tham vọng nâng công suất lắp đặt điện hạt nhân của nước này lên 150GW vào năm 2030.

7 nhan dinh ve co cau nang luong tai trung quoc
Sơ đồ cơ cấu điện của Trung Quốc năm 2016-2017

Nhưng trong những số liệu do NEA công bố thì các số liệu về các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân của quốc gia này đã giảm 21,6% vào năm 2017. Vào năm trước, quốc gia này đã đầu tư khoảng 5 tỉ euro để phát triển điện hạt nhân. Nhưng khoản đầu tư này không là gì so với các mục tiêu mà họ đã công bố.

Kể từ năm 2012, đầu tư vào ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc đã giảm đều. Trong suốt 6 năm qua, các khoản đầu tư này đã giảm đi một nửa. Và quốc gia này cũng bắt đầu có xu hướng giảm số lượng các lò phản ứng hạt nhân. Trung bình mỗi năm công suất lắp đặt điện hạt nhân giảm: 3,5GW từ năm 2012-2015, giảm 2GW trong năm 2016 và 0,6GW vào năm 2017.

Do vậy, các mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể đạt được. Hiện nay, quốc gia này chỉ đang xây dựng những lò phản ứng với công suất 19GW. Để đạt được mục tiêu tăng sản lượng điện hạt nhân lên 58GW như đã đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc thì quốc gia này cần phải trang bị thêm 2 hoặc 3 lò phản ứng nữa. Và chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa để hoàn thành mục tiêu thì việc thực hiện tham vọng này của Trung Quốc là điều không thể. Mục tiêu xây dựng các lò phản ứng với công suất 30GW vào năm 2020, dường như là điều rất khó thực hiện. Và chỉ khi nào kỳ tích xuất hiện thì tham vọng tăng sản lượng điện hạt nhân lên mức 150GW vào năm 2030 mới có thể thành hiện thực.

Điện gió và mặt trời chiếm 1/4 sản lượng điện của cả nước?

Khi chúng ta thảo luận về cơ cấu điện Trung Quốc, chúng ta hay nói về năng lượng hóa thạch và các loại năng lượng “phi hóa thạch”. Chúng ta thường không quen sử dụng cách gọi thứ hai này, thay vào đó chúng ta gọi những nguồn năng lượng này là năng lượng tái tạo và quên đi mất còn có một loại năng lượng khác nữa là năng lượng hạt nhân. Do các thông tin trên các phương tiện truyền thông, nên khi nhắc đến năng lượng tái tạo là chúng ta lại nghĩ đến phong năng và quang năng là nguồn năng lượng chính để sản xuất điện sạch, nhưng thực tế không phải vậy. Thực sự nếu bỏ qua 4% của điện hạt nhân thì các loại năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 1/4 sản lượng điện của Trung Quốc. Và phần lớn sản lượng điện này (18,6%) là được tạo ra từ các đập thủy điện chứ không phải là từ các turbine gió hay các tấm pin quang điện.

Tiến hành cuộc cách mạng về năng lượng mặt trời?

Nếu có thông tin xuất hiện khắp nơi trên báo đài trong và ngoài nước về ngành năng lượng tại Trung Quốc trong năm 2017 thì đó là các tin tức về sự phát triển của năng lượng mặt trời. Không thể phủ nhận, sự phát triển điện mặt trời tại Trung Quốc là rất đáng kể. Sau một khoảng thời gian dài bỏ quên hoàn toàn điện mặt trời, 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Năm 2017, công suất lắp đặt năng lượng mặt trời tại Trung Quốc đã vượt quá 130GW. Theo sau là Đức với 40GW và Pháp không quá 7GW…

Sự phát triển của năng lượng mặt trời của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc: chỉ trong vòng 1 năm, 53GW điện mặt trời. Sự bùng nổ này đã gây một “cú sốc” lớn cho các nhà hoạch định và các chuyên gia phân tích tại Trung Quốc (mục tiêu được đề ra cho giai đoạn từ 2016 đến 2020, nhưng chỉ trong vòng 1 năm đã đạt được).

Tuy nhiên, thành quả này chỉ có thể duy trì trong thời gian ngắn. Lý do đầu tiên là vì, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc sản xuất điện mặt trời, nhưng vẫn còn thua xa so với sự “thống trị” của năng lượng hóa thạch. Quang điện chỉ chiếm ít hơn 2% trong tổng cơ cấu năng lượng của Trung Quốc. Lý do tiếp theo và quan trọng nhất là do Chính phủ Trung Quốc hiện không mặn mà với việc phát triển quang điện: sau khi giảm từ 6 đến 18% vào giữa năm 2017 thì giá mua điện mặt trời sẽ còn giảm từ 12 đến 56% trong năm 2018. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng đã ra lệnh giảm một nửa các dự án trên 2/3 lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí tại một số tỉnh, tất cả các dự án về quang điện đã bị ngừng lại.

Điện gió và mặt trời đã tới giới hạn?

Trong những năm gần đây, Trung Quốc xảy ra tình trạng các nhà quản lý hệ thống điện cắt nguồn điện từ năng lượng tái tạo để ưu tiên cho lượng điện của họ. Điều này cho thấy sự phát triển của điện mặt trời và điện gió tại Trung Quốc đang bị đình trệ.

Năng lượng tái tạo ở Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 7% trong hỗn hợp điện. Mục tiêu nâng năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) lên 25% trong hỗn hợp điện của Trung Quốc như tại Newzeland, Iceland hoặc Tây Ban Nha là rất khó.

Người dân tiêu thụ điện quá nhiều?

Để sự phát triển của năng lượng hạt nhân và tái tạo giúp làm giảm việc sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch, việc tiêu thụ điện của Trung Quốc phải tăng ít hơn 2,3%. Nhưng mức tăng thực tế lại gấp hơn 3 lần như vậy. Như vậy, chừng nào nhu cầu còn tiếp tục tăng nhanh như vậy thì việc giảm sản xuất điện bằng năng lượng hóa thạch sẽ rất khó để thực hiện.

Mức tiêu thụ điện năng trong năm 2017 của Trung Quốc là 6.400TWh. Mức tiêu thụ này cao hơn gấp 2 lần so với các nước trong Liên minh châu Âu. Đáng chú ý là mức tiêu thụ điện trong trong các hộ gia đình ở Trung Quốc rất ít, chưa tới 14% tổng mức tiêu thụ. Chính ngành công nghiệp Trung Quốc đã ngốn tới 70% tổng sản lượng điện của nước này.

S.Phương