6 năm, kỳ tích Lai Châu!

14:33 | 08/02/2017

1,875 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thêm một lần những người “lính thủy điện” làm nên kỳ tích ở Thủy điện Lai Châu (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) - nhà máy thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á. Sau gần 6 năm ăn núi, ngủ rừng, trải qua hơn 2.000 ngày đêm không nghỉ, với bao mồ hôi, công sức, họ đã xuất sắc đưa Thủy điện Lai Châu về đích sớm 1 năm so với kế hoạch. Cùng với Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu thêm một lần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần “thép” đã được tôi rèn của những người “lính thủy điện” trong hành trình chinh phục, chế ngự dòng sông Đà hung dữ để mang lại nguồn sáng cho Tổ quốc!  

Đường từ Hà Nội lên Thủy điện Lai Châu dài chừng 650km. Để vượt qua quãng đường ấy, người ta phải vượt qua hàng trăm khúc cua tay áo, nhiều đoạn bám sát mét vực sâu, ngược dốc cao đến cả ngàn mét rồi lại đổ xuống ào ào đến ù cả tai, choáng váng. Thế nên, dù xuất phát từ khá sớm nhưng cũng phải đến 17 giờ, dưới bàn tay lão luyện của anh tài già tên Cang - người đã có hàng ngàn chuyến xe chạy ngược xuôi lên vùng Tây Bắc - chiếc xe 16 chỗ chở chúng tôi lên Lai Châu dự lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Lai Châu mới đến được Nậm Nhùn.

6 nam ky tich lai chau
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng cắt băng khánh thành Thủy điện Lai Châu

May hôm đó là ngày nắng ráo, thời tiết thuận lợi chứ vào ngày mưa thì phải đến tối mịt mới đến nơi. Địa chất vùng Tây Bắc vô cùng phức tạp, chủ yếu là núi đồi. Nhiều khu vực, núi chẳng khác nào khối đất cát khổng lồ được một thứ keo tự nhiên nào đó kết dính lại mà thành. Nhưng rồi khi gặp mưa, bị ngâm ướt sũng, những vạt sườn núi bỗng nát nhũn, trôi tuột, cả ngàn m3 đất cát như vữa xây đổ ập xuống chắn ngang đường. Thế là giao thông lại tắc, có khi cả ngày trời. Cánh làm giao thông cũng lường trước chuyện đó nên đã làm kè, xây hệ thống thoát nước nhưng kỳ thực vẫn khó vô cùng. Tây Bắc vì thế vẫn cứ là vùng đất khó đến, thử thách ý chí, bản lĩnh và cả sức khỏe của bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến mảnh đất này.

Nậm Nhùn là huyện mới của tỉnh Lai Châu, được tách ra từ một phần huyện Mường Tè cũ và Sìn Hồ cũ. Huyện có diện tích 1.390km2. Diện tích gần bằng tỉnh Ninh Bình nhưng số dân của Nậm Nhùn cũng chỉ chừng 30 ngàn người. Trước khi có Thủy điện Lai Châu, Nậm Nhùn là vùng đất hoang sơ với bạt ngàn lau lách, đường sá đi lại hầu như không có gì. Từ thị trấn Nậm Nhùn bây giờ ra đến thị xã Mường Lay chỉ độ 30km, nhưng khi gặp trời mưa cũng phải mất tới mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Khí hậu ở đây cũng khắc nghiệt vô cùng. Vừa nắng như chảo lửa ụp xuống đầu nhưng bỗng mây đen ở đâu ùn ùn kéo đến kín cả bầu trời, mưa ập xuống ào ào như trút nước. Mùa hè thì nhiệt độ thường xuyên trên 40oC. Còn mùa đông thì ngày nắng hanh, đêm sương rơi thành giọt như mưa phùn, nhiệt độ xuống thấp, có khi chỉ 7-8oC. Cũng bởi giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt như vậy nên cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng nghèo khó vô cùng.

Phải đến khi có Thủy điện Lai Châu, hệ thống giao thông ở Nậm Nhùn mới được cải thiện. Đường nhựa, đường bê tông len lỏi khắp thôn bản, nối liền các xã, kéo dài ra đến trung tâm huyện, rồi ra tỉnh. Thị trấn Nậm Nhùn ngày nào vắng vẻ giờ cũng trở nên sầm uất với nhan nhản cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh, xe cộ tấp nập ngược xuôi, những ngôi nhà kiên cố nằm san sát. Quãng đường từ thị trấn Mường Lay vào Nậm Nhùn giờ bất kể ngày nắng hay mưa thì cũng chỉ mất chừng 30 phút chạy xe là đến nơi.

Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi đề cập đến thời điểm chuẩn bị khởi công công trình Thủy điện Lai Châu nhấn mạnh: “Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của các đơn vị tham gia xây dựng công trình như địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng tại khu vực xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè thời điểm đó gần như chưa có gì, đường sá xa xôi, giao thông hết sức khó khăn… Nhưng những khó khăn ban đầu ấy đã không thể làm chùn bước những người thợ thủy điện, với thành tích vượt bậc về đích trước tiến độ 3 năm vừa đạt được từ công trình Thủy điện Sơn La. Hàng loạt các hạng mục nhằm chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng công trình đã được hoàn thành trong 2 năm gồm 40km đường giao thông từ cầu Lai Hà qua sông Nậm Na đến cầu cứng qua Sông Đà ở hạ lưu tuyến đập; Hơn 100km đường dây tải điện 110kV từ Tuần Giáo đến Nậm Hàng và trạm hạ áp 110kV/35kV tại mặt bằng công trường; Giải phóng mặt bằng công trường, bàn giao cho các đơn vị thi công triển khai xây dựng lán trại, phụ trợ; Hoàn thành xây dựng cống dẫn dòng”.

Thủy điện Lai Châu được khởi công ngày 5-1-2011, nằm ở bậc trên cùng dòng chính sông Đà. Nhà máy đặt tại xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn), cách trung tâm huyện chừng hơn chục kilômét, có công suất thiết kế là 1.200MW với 3 tổ máy, mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 4,7 tỉ kWh. Và tiếp theo Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu là công trình Thủy điện lớn thứ 2 mà 100% các hạng mục từ khảo sát, thiết kế đến thi công, xây dựng, vận chuyển, lắp đặt máy móc… đều do người Việt Nam thực hiện.

6 nam ky tich lai chau
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Thủy điện Lai Châu

Nói về quy mô công suất, Thủy điện Lai Châu chỉ bằng một nửa so với Thủy điện Sơn La, nhưng nếu xét về khối lượng công việc thì gần như nhau. Thậm chí, nếu nói về độ khó trong thi công thì ở Thủy điện Lai Châu, nhiều hạng mục có phần khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu Phạm Hồng Phương khi nói về quá trình thi công xây dựng Thủy điện Lai Châu bảo rằng: “Cũng giống như bao công trình thủy điện khác, Thủy điện Sơn La hay Lai Châu đều nằm ở những khu vực thâm sơn cùng cốc, giữa núi thẳm rừng sâu. Có khác là ở mức độ khắc nghiệt của thời tiết, tính chất phức tạp về địa chất, địa hình. Cách đây 5-6 năm trước, khu vực đặt nhà máy Thủy điện Lai Châu là hoàn toàn hoang vu. Từ nhà máy vào huyện khoảng 60km thì đi mất 4 tiếng nếu là ngày thường và 6 tiếng nếu trời mưa. Còn từ nhà máy ra tỉnh là 150km. Việc đi lại vì thế vô cùng khó khăn. Hạ tầng cũng không có bất kỳ thứ gì, kể cả sóng điện thoại, cách xa các trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị”.

Và nếu so với Sơn La thì điều kiện khí hậu ở Lai Châu khắc nghiệt hơn rất nhiều. Ở đây mưa là mưa trắng trời, kéo dài suốt ngày. Một điểm nữa, đập của Thủy điện Lai Châu nằm ở đuôi hồ Sơn La nên có một nghịch lý là về mùa mưa, việc thi công xây dựng khó khăn nhưng nước hồ lại cạn. Nước hồ cạn thì dễ cho thi công, nhưng thời tiết lại không ủng hộ. Về mùa khô, thuận lợi cho thi công thì nước hồ Sơn La lại tích đầy. Ở Lai châu, có rất nhiều hạng mục công trình chìm rất sâu ở dưới mực nước hồ bình thường.

Ngoài ra, đặc thù của khu vực thi công xây dựng Thủy điện Lai Châu cũng vô cùng phức tạp. Đó là công trường xây dựng nằm hoàn toàn trong lòng hồ Thủy điện Sơn La nên phải hoàn thành các hạng mục dẫn dòng thi công trước tháng 4-2011, thời điểm Nhà máy Thủy điện Sơn La tích nước hồ chứa. Việc thi công hố móng đập và nhà máy, đắp đập thủy điện, xây dựng nhà máy… cũng phải vượt trước mức nước dâng của hồ Thủy điện Sơn La. Thứ nữa là khu vực hố móng kênh dẫn dòng, đập tràn xả lũ, đập thủy điện, nhà máy… “tầng phủ” rất dày, đòi hỏi một lượng máy móc thiết bị thi công lớn, cường độ lao động cao. Và cuối cùng, công trường nằm trong khu vực chỉ có 3 tháng mùa khô, là nơi có lượng mưa lớn nhất cả nước, địa chất lại phức tạp nên việc thi công khó khăn, phức tạp hơn Thủy điện Sơn La rất nhiều. Vậy nên dù chỉ có công suất lắp đặt là 1.200MW, với 3 tổ máy và bằng một nửa Thủy điện Sơn La nhưng về khối lượng đào đắp đất đá, đổ bê tông gia cố… cũng xấp xỉ công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Nhưng ở Thủy điện Lai Châu cũng có cái thuận là ê-kíp thi công trên công trường chính là ê-kíp đã làm nên kỳ tích ở Thủy điện Sơn La. Rút kinh nghiệm từ Sơn La, việc thi công Thủy điện Lai Châu đã tránh được những sai lầm, tồn tại cũng như phát huy tốt các kinh nghiệm đã có từ Sơn La, cộng với ý chí quyết tâm, trí tuệ của người Việt, các lực lượng tham gia thi công trên công trường đã có rất nhiều sáng kiến để đẩy nhanh tiến độ dự án, tháo gỡ khó khăn. Trong suốt 6 năm thi công, trên Công trường Thủy điện Lai Châu đã có 14 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng, làm lợi cho các đơn vị hàng chục tỉ đồng. Trong đó Công ty Cổ phần 908 với đề tài “Hệ thống phun sương bảo dưỡng tạo ẩm làm mát bê tông RCC” làm lợi 3 tỉ đồng/năm; Giám đốc chi nhánh Sông Đà 908 Đinh Văn Đại với đề tài “Cải tiến máy đánh sờm bề mặt bê tông” làm lợi 100 triệu đồng/năm; Giám đốc Ban điều hành Dự án Thủy điện Lai Châu Vũ Hồng Trường có 5 sáng kiến cải tiến, đó là đề tài sáng kiến “Thay đổi bãi lấy tải cần trục S 1.000”; “Phương án cắt nước kênh dẫn”; “Thay đổi biện pháp đào, vận chuyển hố móng buồng bơm khu vực tổ máy 1”… đã rút ngắn thời gian bàn giao mặt bằng thi công bê tông tổ máy số III sớm hơn kế hoạch 15 ngày làm lợi trên 1 tỉ đồng; Chỉ huy trưởng tại công trường Thủy điện Lai Châu Nguyễn Văn Vụ - Công ty CP Sông Đà 5 có đề tài sáng kiến “Gia công mũi búa phá đục sờm bê tông và Đánh sờm mặt bê tông” làm lợi 8 tỉ đồng; Phó giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 506 - Ngô Văn Mạnh với đề tài sáng kiến “Cải tiến gông cốt pha tấm lớn”, làm lợi 6 tỉ đồng…

Tuy cùng một ê-kíp thi công nhưng ở Thủy điện Lai Châu vẫn có sự khác biệt, cách tân mạnh mẽ. Ví như cửa xả xối nước chẳng hạn. Ở Sơn La, cửa xả xối nước thẳng xuống hạ lưu, người ta phải làm dưới đáy đập dưới hạ lưu một hồ nước sâu với đáy bê tông dày để khi xả, lúc lũ về mạnh với hàng trăm mét áp lực chênh lệch từ cột nước, đáy bê tông sẽ giảm tác động của cột nước, giữ an toàn cho chân đập. Còn ở Lai Châu, cột nước từ cửa xả được nắn thẳng vào một bờ chắn bê tông thép kiên cố nhằm giảm áp lực dòng nước trước khi đổ sập xuống chân đập.

Những người thợ thủy điện đã và đang tạo lên một kỳ tích mới trên Công trường Thủy điện Lai Châu. Và khi xây dựng Thủy điện Sơn La 100% phần việc từ khảo sát, thiết kế đến thi công, xây dựng, vận chuyển, lắp đặt máy móc… do người Việt Nam thực hiện thì đến Thủy điện Lai Châu, nội lực đó một lần nữa được khẳng định. Theo Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Lilama 10 Lê Kim Hải thì đây chính là dấu ấn lớn nhất trên Công trường Thủy điện Lai Châu. Họ - những người “lính Thủy điện” - không chỉ nắm bắt được công nghệ mà đã làm chủ công nghệ. Và việc Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu hòa lưới thành công và vận hành ổn định chính là sự khẳng định “chúng tôi - những người xây dựng thủy điện Việt Nam - đã làm được, đạt được”. Sự khẳng định đó không chỉ là vấn đề năng lực, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của công trình mà còn là sự đáp ứng niềm tin của Đảng, Chính phủ, của ngành điện giao phó.

6 nam ky tich lai chau
Nhà máy Thủy điện Lai Châu nhìn từ trên cao

Dấu ấn thứ 2 trên Công trường Thủy điện Lai Châu, theo Lê Kim Hải đó là khát vọng cống hiến, chinh phục thử thách của tuổi trẻ. Không chỉ Lilama mà ở các đơn vị thầu thi công khác trên công trường, hầu hết đội ngũ cán bộ, công nhân viên đều có tuổi đời còn rất trẻ, dưới 30 tuổi. Họ có thể thiếu kinh nghiệm khi mới qua 1, 2 công trình, nhưng quyết tâm, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ thì vô cùng mãnh liệt.

Ngày 20-12-2016, sau gần 6 năm thi công, trải qua hơn 2.000 ngày đêm không nghỉ, dưới bàn tay, khối óc, với tinh thần quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm của tập thể cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu và các nhà thầu thi công, Thủy điện Lai Châu đã hoàn thành sớm 1 năm. Một công trường không nghỉ với tiếng máy âm vang rừng núi, ánh điện lung linh sông Đà và hàng ngàn con người đã không quản ngại ngày hay đêm, mưa nắng hay bão lũ, hăng say lao động sản xuất, bám máy, bám công trường, thi công 3 ca liên tục để tạo nên một công trình vĩ đại ngày hôm nay. Những người công nhân, kỹ sư coi công trường là nhà, coi sự nghiệp của cả “Đại công trình” là niềm tự hào của chính mình. Những phẩm chất tốt đẹp của những người làm thủy điện đã một lần nữa được khẳng định, với một khối lượng công việc khổng lồ, bao gồm: Đào 14,8 triệu m3 đất đá các loại, đắp 2,57 triệu m3 đất đá các loại, đổ 3,6 triệu m3 bê tông các loại, lắp đặt 49.000 tấn cốt thép, khoan phụt xi măng 82.000m dài, lắp đặt 34.000 tấn thiết bị công nghệ. Họ là những thế hệ đã nối nhau làm nên nhiều kỳ tích hào hùng trên những công trình của đất nước từ Nam ra Bắc, từ Tây Nguyên đến Tây Bắc với những cái tên đã trở thành thương hiệu hàng đầu của Việt Nam hiện nay như Tư vấn xây dựng điện 1, Sông Đà 5, Sông Đà 9, Sông Đà 10, Lilama10, Thí nghiệm điện miền Bắc...

Thực tế đã chứng tỏ công trường Thủy điện Lai Châu tiếp tục là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực, tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của các đơn vị trên công trường. Từ các khâu quản lý, chỉ đạo của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát lắp đặt, tổng thầu xây lắp và các nhà thầu thành viên. Công trường đã tạo thành một khối thống nhất từ Ban Chỉ đạo Nhà nước, chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu để mọi công việc được tiến hành trôi chảy đến từng chi tiết theo tiến độ tuần, tháng, năm được phân công quản lý, giám sát và điều hành nghiêm túc. Hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư và các nhà thầu đã được xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định của Nhà nước, từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn hàng đầu nước ngoài như Colenco (Thụy Sỹ), Viện Nghiên cứu Thiết kế thủy công Moskva (Nga), Fichtner (Đức)…

Bằng mồ hôi, công sức và với ý chí quyết tâm “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, những người “lính Thủy điện” Việt Nam đã viết nên khúc ca không thể hùng tráng hơn cho bản trường ca chinh phục sông Đà. Và cùng với Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu chính là biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là niềm tự hào, kiêu hãnh của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam!

Thanh Ngọc

Năng lượng mới số 589

  • el-2024