59% người tiêu dùng Việt có ý thức ưu tiên hàng Việt

10:31 | 08/06/2011

506 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết quả điều tra mới đây cho thấy, có đến 59% người tiêu dùng “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong khi đó con số này trước đây chỉ là 23%. Kết quả này có được là nhờ cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt.

Người dân ngày càng ưu tiên lựa chọn hàng Việt

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, bước đầu hình thành nét văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.

Sau 1 năm thực hiện cuộc vận động, lượng hàng hóa Việt được người tiêu dùng mua sắm đã tăng lên đáng kể. Tại Tp HCM, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại nhiều siêu thị chiếm tỷ lệ 95%. Trong 68 đợt bán hàng về nông thôn của một số tỉnh, thành phố doanh thu bán hàng hóa Việt Nam đã đạt 1.467 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đây, theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các loại thương hiệu nước ngoài, tức là chỉ có 23% người dân tin dùng các sản phẩm trong nước.

Tuy nhiên, mới đây, Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra kết quả một năm thực hiện cuộc vận động cho thấy: có đến 59% người tiêu dùng “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

38% người tiêu dùng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”; 36% người tiêu dùng cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc mua ít hơn để thay bằng mua hàng Việt Nam”.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước đây đó là: sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; thực phẩm, rau quả; các sản phẩm đồ gia dụng; vật liêu xây dựng, nội thất; văn phòng phẩm; đồ trẻ em…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, để cuộc vận động ngày càng sâu rộng hơn nữa thì nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng mạng lưới phân phối từ thành thị đến nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cạnh tranh về giá cả, dịch vụ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ xây dựng Đề án quốc gia về phát triển thương mại trong nước thông qua liên kết một số ngành dịch vụ (như phân phối, du lịch, vận tải, tài chính…) nhằm xây dựng và củng cố hệ thống phân phối hàng Việt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

KH&DT