5 năm - có một 'nguồn' năng lượng mới

07:20 | 09/02/2016

1,621 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Người xưa bảo, “thời gian đi như bóng câu qua cửa sổ”, càng ngẫm càng thấy sao mà đúng thế.

Thoáng một cái đã 5 năm rồi. Cũng vào dịp này của năm Canh Dần, vào ngày 26-1-2010, Báo Năng lượng Mới đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp giấy phép xuất bản báo chí. Ngẫm lại, cũng thấy là một thời gian xin giấy phép ngắn kỷ lục, bởi từ lúc nộp hồ sơ cho tới khi có giấy phép chỉ vỏn vẹn 2 tháng trời.

Nhớ lại vào một ngày đầu tháng 10-2010, anh em làng báo xôn xao khi thấy Đại tá An ninh Nguyễn Như Phong, Phó tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, phụ trách Chuyên đề An ninh thế giới, làm đơn xin nghỉ hưu non để về Hội Dầu khí Việt Nam thành lập tờ báo cho Hội và cho Tập đoàn. Nhiều người cho rằng, đây là quyết định “cực phiêu lưu” của Nguyễn Như Phong, bởi thời điểm đó, tờ An ninh thế giới đang là tờ báo có “máu mặt” hàng đầu trong làng báo Việt Nam.

5 nam co mot nguon nang luong moi
Ngày 9-1-2016, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm Báo Năng lượng Mới - Báo Điện tử PetroTimes. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ cho cán bộ, phóng viên Báo Năng lượng Mới và Báo Điện tử PetroTimes phải đi tiên phong trong việc tuyên truyền về chiến lược phát triển năng lượng mới và tái tạo, cũng như phong trào ứng dụng công nghệ mới sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng của đất nước.

Nhưng ở đời, nếu không “liều” thì khó mà làm được cái gì cho ra tấm ra món. Không “liều” thì cũng chẳng viết được bài báo hay, chứ đừng nói cả một tờ báo.

Sau này, Nguyễn Như Phong kể lại: “Lúc đầu lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT đều khá ngần ngại, bởi lẽ vào thời điểm này báo chí Việt Nam đang trên đà tụt dốc về số lượng. Nhiều báo có số lượng xuất bản 300.000-400.000 tờ/kỳ, nay chỉ còn một nửa. Và cũng đã bắt đầu có những tờ báo của các hội ngành, nghề lâm vào cảnh “chết lâm sàng”. Và một điều đáng lo ngại nữa của lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Bộ TT&TT, đó là không ít tờ báo khi xin ra đời thì đều có những tôn chỉ mục đích hết sức tốt đẹp và kèm theo đó là những “lời có cánh” về đảm bảo số lượng phát hành và nguồn kinh phí để báo ổn định lâu dài… Thực chất thì rất nhiều “ông bố” đẻ con ra, nhưng “hữu sinh vô dưỡng”, thế là để “thằng con” phải viết lách theo kiểu “vơ bèo, vạt tép” rồi lao vào đề tài “4T” - tình - tiền - tù - tội - rồi ra các số phụ san, phụ trương, mà nội dung thì rặt chất lá cải.

Ra một tờ báo thì dễ, nhưng nuôi được một tờ báo thì khó vô cùng, đặc biệt để phát triển đúng tôn chỉ mục đích, phục vụ tuyên truyền của cơ quan chủ quản, mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Chính vì sự lo lắng đó, lãnh đạo Ban Tuyên giáo cùng lãnh đạo Bộ TT&TT đã đề nghị Hội Dầu khí Việt Nam cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức một cuộc họp và thực chất đây là một cuộc “kiểm tra”.

Buổi họp đó diễn ra vào lúc chiều tối, phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có anh Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, anh Lê Minh Hồng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn; ông Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; anh Trần Quang Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn và một số cán bộ chức năng khác của Hội và Văn phòng Tập đoàn.

Ban Tuyên giáo Trung ương có anh Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban, Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản; chị Doãn Thị Thuận, Phó vụ trưởng; anh Nguyễn Văn Hùng, Phó vụ trưởng. Bên Bộ TT&TT có Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng…

Sau khi nghe anh Đinh La Thăng nói về sự cần thiết phải có một tờ báo của ngành Dầu khí, mà cơ quan chủ quản là Hội Dầu khí Việt Nam, rồi nghe ông Ngô Thường San trình bày về dự án, anh Nguyễn Thế Kỷ đã nêu ra 3 câu hỏi. Thứ nhất, lãnh đạo Hội chọn ai làm Tổng biên tập; thứ hai, kinh phí ở đâu, nguồn nào nuôi tờ báo; và thứ ba là, quan điểm tờ báo chỉ phục vụ trong ngành Dầu khí hay vươn ra các lĩnh vực khác nữa.

Nghe xong, anh Đinh La Thăng nói luôn: “Vì quy định không cho tập đoàn kinh tế Nhà nước được xuất bản báo chí, nên Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam đã bàn bạc và thống nhất để Hội đứng ra xin giấy phép xuất bản.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tập đoàn trụ cột kinh tế quốc gia, hằng năm đóng góp tới 25% GDP, chính vì vậy cần phải có một công cụ truyền thông để tuyên truyền cho các hoạt động của Tập đoàn, cũng như tuyên truyền sâu rộng hơn công việc của những người lao động Dầu khí: tìm kiếm, thăm dò, chế biến dầu khí và các ngành công nghiệp khác. Và chúng tôi đặt tên là Năng lượng Mới, có nghĩa là không bó gọn trong ngành Dầu khí mà còn tuyên truyền trong các lĩnh vực điện, than, hạt nhân…

Còn về Tổng biên tập, chúng tôi đã thống nhất đề nghị anh Nguyễn Như Phong - Đại tá, Phó tổng biên tập Báo Công an Nhân dân về làm Tổng biên tập. Về kinh phí, trước mắt, các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn cam kết sẽ đảm bảo kinh phí cho báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và chắc chắn sẽ là một tờ báo không phải lo đi kiếm tiền như những ấn phẩm lá cải”.

5 nam co mot nguon nang luong moi
Báo Năng lượng Mới cùng các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí trao qua tết cho bà con xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên

Nghe anh Thăng nói xong, anh Thế Kỷ cười và bảo: “Điều chúng tôi quan tâm nhất là kinh phí hoạt động của tờ báo. Bởi tôi có quá nhiều kinh nghiệm, khi xin cấp phép thì ai cũng bảo đủ kinh phí, nhưng thực chất ra họ chỉ có đủ kinh phí cho báo 1-2 năm đầu hoạt động. Thậm chí, có những nơi còn bắt cơ quan báo chí kiếm tiền nuôi cơ quan chủ quản”.

Cả ông Ngô Thường San, anh Đinh La Thăng, rồi anh Lê Minh Hồng đều khẳng định khi có giấy phép, Tập đoàn và Hội Dầu khí sẽ có cuộc họp liên tịch giao cho Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên và Ban Tổng giám đốc trực tiếp chỉ đạo và đảm bảo đủ kinh phí cho báo hoạt động. Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn, anh Trần Quang Dũng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo các mặt công tác của Báo Năng lượng Mới.

Cuộc họp chỉ khoảng 40 phút là xong và 1 tháng sau đó đã có giấy phép hoạt động cho Báo Năng lượng Mới.

Trong khi chưa có giấy phép, Tập đoàn đã bố trí văn phòng làm việc, lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị cho báo hoạt động.

Trong lịch sử báo chí cận đại, khó có tờ báo nào mà khi mới ra đời lại được sự chăm lo chu đáo về cơ sở vật chất như Báo Năng lượng Mới. Một đơn vị truyền thông ở tầng 4 đã dọn đi và Báo Năng lượng Mới được thế chỗ về đấy.

Ngày 13-1, đang ngồi ở Ban Tuyên giáo thì anh Nguyễn Quang Hùng - Phó chánh Văn phòng Tập đoàn bảo đi nhận văn phòng cho báo. Thế là Nguyễn Như Phong sấp ngửa theo anh đi nhận chìa khóa. Nhận khu văn phòng làm việc rộng gần 300m2 mà thấy sung sướng quá. Và rồi cũng không xem ngày giờ, thắp hương, khấn vái ai. Cứ thế là nhận nhà rồi cho sang sửa lại tí chút, mua bàn ghế sắp xếp, mọi việc làm cứ ào ào. Và sau khi có giấy phép, trước tết âm lịch đã có những bản demo đầu tiên của Báo Năng lượng Mới.

Một số người khi đến nhìn trụ sở Báo Năng lượng Mới - là nơi nhìn xuống ngay một nghĩa trang rất lớn của làng Yên Hòa cũ, thì cũng thấy ái ngại và khuyên Tổng biên tập Nguyễn Như Phong nên chăm lo hương khói, lễ lạt cho chu đáo. Nhưng vốn là người không mê tín, Như Phong phớt lờ. Nhưng cũng lại có một người - vào diện thầy bói bảo rằng, đặt trụ sở gần nghĩa trang, nếu mà hợp vía, thì được người cõi âm phù hộ tốt lắm.

Câu chuyện người cõi âm đến “thăm tòa soạn” sau này có nhiều, nhưng người thấy rõ nhất đó là nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Trong một lần chị đến giao lưu trực tuyến tại Báo Điện tử PetroTimes, vừa vào đến tòa soạn, chị sững người ra và đứng lặng im một lúc. Mọi người ngạc nhiên không hiểu sao chị lại đứng như thế. Nhưng thấy thái độ của chị, không ai dám hỏi. Một lát sau, chị hỏi: “Tại sao ở đây lại nhiều vong đến vậy?”.

Nguyễn Như Phong hỏi chị: “Thế chị thấy ở đâu?”. Chị trả lời: “Tôi nhìn thấy nhiều người đi ra vào hành lang ở đây”. Nguyễn Như Phong mới kéo chị ra ngoài cửa sổ, nhìn ra ngoài nghĩa trang thì chị mới à lên, “thảo nào nhiều thế”. Mà nếu đúng là người cõi âm có linh thiêng phù trợ cho người dương thế, thì có lẽ Báo Năng lượng Mới cũng là một nơi minh chứng cho điều ấy.

5 năm - báo đã có một sự phát triển vững chắc trong lòng bạn đọc, đặc biệt là đối với cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí và một số đơn vị kinh tế bên ngoài.

Và cũng chỉ trong 5 năm, mà riêng các cặp vợ chồng ở báo sinh con đẻ cái có khi số lượng lên tới hơn 20. Còn những người ở báo lấy vợ, lấy chồng, nhất là con gái, hầu như không ai có khái niệm muộn sinh đẻ.

Ngày 14-3, Báo Năng lượng Mới ra mắt số đầu tiên. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trong thư chúc mừng Báo Năng lượng Mới xuất bản số đầu tiên đã nhấn mạnh đến yêu cầu: “Báo Năng lượng Mới phải thật sự đem đến nguồn năng lượng cho bạn đọc”.

Ngay khi báo ra đời, cũng đúng vào dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện mong ước của Bác Hồ, Tập đoàn đã giao cho báo làm nhiệm vụ thường trực cuộc thi viết về “Kỷ niệm sâu sắc của người Dầu khí”, rồi giao cho báo làm kỷ yếu kỷ niệm 50 năm. Điều khó khăn nhất đối với cán bộ, phóng viên, mà ngay cả Tổng biên tập, đó là không một ai có chút ít am hiểu gì về dầu khí. Và thế là đã có không ít những bài báo viết sai thuật ngữ chuyên môn, thậm chí viết sai cả tên, cả chức danh các đồng chí lãnh đạo. Bên cạnh đó, lại có những bài pháp luật, xã hội động chạm vào những nhân vật vốn có tiếng tăm, nên đã bị phản ứng không ít, đặc biệt đó là từ các cán bộ Dầu khí đã nghỉ hưu.

Cứ vài ngày là lãnh đạo Tập đoàn, mà nhất là Phó tổng giám đốc Lê Minh Hồng - người trực tiếp phụ trách công tác nội chính và truyền thông của Tập đoàn cùng Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Trần Quang Dũng lại nhận được điện thoại phàn nàn từ các bậc trưởng lão và lãnh đạo một vài đơn vị. Nhưng một điều may mắn cho những người làm Báo Năng lượng Mới, đó là lãnh đạo Tập đoàn luôn chia sẻ và có sự thông cảm với những sai sót của báo. Chính sự độ lượng, bao dung của lãnh đạo Tập đoàn, sự chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo ở đơn vị thành viên khiến những người làm Báo Năng lượng Mới thấy xấu hổ và càng quyết tâm làm sao để cho tờ báo tránh được những sai sót, mà những sai sót đó thuộc về chủ quan, có những cái do sơ suất, tai nạn nghề nghiệp.

Giữa năm 2011, trang tin Điện tử Tổng hợp PetroTimes.vn được cấp giấy phép và ngay khi ra đời, PetroTimes.vn đã được bạn đọc chú ý với những loạt bài đấu tranh với Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là vụ tàu Bình Minh 01 bị cắt cáp địa chấn. Và từ đó, trong làng báo biết được PetroTimes là tờ báo đi đầu trong hoạt động đấu tranh với các hoạt động thù địch của “ông bạn láng giềng” Trung Quốc trên Biển Đông với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Nhưng lại cũng có một nỗi khổ, ấy là khi xin phép ra PetroTimes, do tìm hiểu các quy định về ra báo điện tử không kỹ, cho nên lại cứ nghĩ rằng, một người không làm Tổng biên tập được hai tờ báo, mặc dù hai tờ báo nằm trong cùng một cơ quan chủ quản. Thế là một cán bộ của Cục hướng dẫn cho báo: “Cứ xin ra trang tin tổng hợp, giờ các trang tin xuất bản bài như báo chí thì đầy”.

Vậy là suốt một thời gian dài từ năm 2011 đến cuối 2015, trang tin PetroTimes lúc thì hoạt động như một tờ báo, lúc thì hoạt động như một trang tin tổng hợp, chỉ được phép nhặt nhạnh, hoặc xuất bản những bài của báo giấy Năng lượng Mới.

Chính vì thế mà trang tin điện tử đã hoạt động trong một tình trạng có thể “bị phạt, bị tuýt còi” bất cứ lúc nào và có năm PetroTimes đã bị phạt đến hàng chục triệu với hai tội: Thứ nhất là ở thông tin không chuẩn xác; thứ hai là “ai cho phép xuất bản bài báo”.

Trước cái “vòng kim cô” luôn đeo trên đầu, Tổng biên tập Nguyễn Như Phong đã phải viết thư cho một đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT giãi bày: “Khi chúng tôi viết bài tham gia phản ánh các thế lực thù địch, các nhóm cơ hội chính trị phản động lưu vong để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, rồi những bài đấu tranh với những hoạt động thù địch của Trung Quốc trên Biển Đông, tham gia giữ vững bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo thì được cấp trên khen, lúc đó không ai nói là “ai cho PetroTimes xuất bản những bài như vậy”. Còn đến khi chúng tôi có một mẩu tin chưa chuẩn xác thì bị phạt và trong đó lại kèm thêm “trang tin điện tử không được phép xuất bản bài báo”.

Và cuối năm 2015, Bộ TT&TT sau khi hiệp thương với Ban Tuyên giáo Trung ương đã quyết định nâng trang tin điện tử tổng hợp PetroTimes lên hàng báo điện tử. Đây thực sự là một phần thưởng đối với cán bộ, phóng viên Báo Năng lượng Mới. Bởi việc cấp giấy phép cho báo vào thời điểm này chứng tỏ PetroTimes là tờ báo luôn đi đúng tôn chỉ mục đích, một tờ báo điện tử đứng đắn, sang trọng và có vị trí, uy tín trong làng báo.

Thoáng một cái đã 5 năm, Báo Năng lượng Mới bây giờ đã trở thành một món ăn tinh thần được người Dầu khí đón nhận và điều mừng nhất đó là các đơn vị trong Tập đoàn đã mở rộng cánh cửa đối với phóng viên Báo Năng lượng Mới.

 5 năm, đội quân của báo thay đổi không ít, người vào cũng nhiều, mà người ra đi cũng tới hàng chục. Có những người vào làm rồi đã phải đi, bởi hoặc là họ không đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của báo, nhưng cũng có người thấy nơi khác tốt hơn...

Cũng 5 năm qua, bên cạnh những giải thưởng Báo chí Quốc gia, ghi dấu ấn về sự trưởng thành của cán bộ, phóng viên, điều mừng nhất ở Báo Năng lượng Mới là chưa có một ai bị kỷ luật vì những lý do vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Phóng viên báo cũng không có tình trạng, tay phải cầm bút viết bài, tay trái xin quảng cáo. Thu nhập của cán bộ, phóng viên báo năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Các chế độ lương, bảo hiểm, thuế, luôn được đảm bảo.

Có được điều đấy cũng chẳng phải do những người làm Báo Năng lượng Mới tài giỏi gì mà cái chính là báo đã hoàn thành được nhiệm vụ mà lãnh đạo Tập đoàn và Hội giao phó, đồng thời luôn được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tập đoàn, Hội và các đơn vị thành viên đối với báo. Cũng có những lúc báo gặp khó khăn đột xuất về việc này hay việc khác. Nhưng lãnh đạo Tập đoàn và kể cả lãnh đạo các đơn vị thành viên cũng luôn đưa tay giúp đỡ.

Tổng biên tập Nguyễn Như Phong bảo rằng, ông không thể nào quên có lần tiền về muộn, năm hết tết đến, anh em ngó nhau chưa biết bấu víu vào đâu thì Tổng giám đốc PETROSETCO Phùng Tuấn Hà cho vay ngay lập tức 1 tỉ đồng; hoặc có lần Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Hà Duy Dĩnh đến thăm báo, thấy tiền tết của anh em “hẻo” quá, nên hỗ trợ ngay mỗi người 2 triệu đồng...”. Lại có năm, anh Lê Minh Hồng gọi Tổng biên tập Nguyễn Như Phong lên hỏi về tiền tết cho anh em. Sau khi nghe báo cáo, anh Lê Minh Hồng đề xuất lãnh đạo Tập đoàn hỗ trợ ngay.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”- anh em ở báo không bao giờ quên được những tấm lòng nhân hậu của người Dầu khí.

2 năm nay, báo không phải xin Tập đoàn hỗ trợ tiền tết cho anh em là cũng bởi vì từ ngày có Công ty Cổ phần Truyền thông Năng lượng Việt, được Tập đoàn và các đơn vị thuê làm dịch vụ văn hóa như làm bản tin, kỷ yếu, làm phim quảng cáo, phim thời sự tài liệu… cho nên cũng có đồng ra đồng vào, phụ thêm vào khoản lương cứng.

Anh em ở báo vẫn bảo nhau rằng: “Làm thì phải trông lên, hưởng thụ thì phải ngó xuống”, mà “trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng ngó xuống thì còn hơn rất nhiều tờ báo đang nợ lương, nợ nhuận bút”.

5 năm, đúng là Báo Năng lượng Mới và PetroTimes.vn đang hằng ngày, hằng giờ mang đến cho bạn đọc một nguồn năng lượng mới.

 Nguồn năng lượng đó thật vô hình nhưng lại cũng đang hiện hữu với người Dầu khí. Và hy vọng trong lúc giá dầu giảm, nhưng năng lượng mới vẫn là nguồn năng lượng dồi dào.

 

Nguyễn Song Sơn

Số Xuân 2016

DMCA.com Protection Status