5 học sinh ngất xỉu sau tiêm vắc-xin do… lo lắng

10:50 | 30/10/2014

574 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo giải thích từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thì hiện tượng 5 học sinh ngất xỉu sau tiêm chủng tại trường THCS Bình Trị Đông A (Q.Tân Bình, TP HCM) ngày 28/10/2014 là phản ứng dây chuyền do tâm lý quá lo lắng khi tiêm.

Sự việc xảy ra vào ngày 28/10, sau khi tiêm vắc-xin sởi - rubella khoảng 30 phút thì 5 học sinh của Trường THCS Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân, TP HCM) có biểu hiện chóng mặt, ngất xỉu.

Cụ thể 1 học sinh có biểu hiện chóng mặt, mệt xỉu thì sau đó 4 em cũng có biểu hiện chóng mặt, lo âu tương tự. Các bác sĩ đã ngay lập tức sơ cấp cứu và chuyển những học sinh này đến Bệnh viện Q.Bình Tân để kiểm tra, theo dõi sức khỏe.

Theo kết quả thăm khám tại Bệnh viện Q.Bình Tân cho thấy các học sinh có dấu hiệu hạ can-xi, tụt huyết áp, tim đập nhanh, đổ mồ hôi.

Giải thích về hiện tượng này, Cục Y tế Dự Phòng (Bộ Y tế) thông tin: Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nêu trên là do tâm lý các em lo sợ tiêm không phải do vắc-xin.

Tiêm chủng vắc-xin phối hợp sởi-rubella cho trẻ

Hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt xỉu đồng loạt xảy ra với học sinh khi tham gia tiêm tại điểm tiêm ở nhà trường là hiện tượng phản ứng dây chuyền sau khi tiêm chủng.

Tức là sau khi tiêm vắc-xin cho một nhóm người sẽ gây tâm lý lo lắng ở những người được tiêm tiếp theo, với những triệu chứng tương tự nhau. Điều này gây ra một dạng của phản ứng dây chuyền như đã thấy ở Trường THCS Bình Trị Đông A.

Những biểu hiện này cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đối với lứa tuổi dậy thì, lứa tuổi có sự thay đổi các trạng thái tâm lý khi tham gia tiêm chủng.

Từ hiện tượng này, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo các biện pháp phòng tránh là: Tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm đầu tiên, có người hỗ trợ để trẻ bớt lo lắng, cho trẻ uống nước đường hoặc trà đường và tiến hành theo dõi theo nhóm tiêm chủng sau tiêm là 30 phút. Khi 1 trẻ có biểu hiện trên, cần cách ly, trấn an và theo dõi.

Đối với trẻ nhỏ, khi đưa con đi tiêm, các phụ huynh cần lưu ý cho con ăn no đủ trước khi đi học hoặc trước khi đi tiêm chủng 30 phút để tránh trẻ bị đói, hạ đường huyết. Các trẻ nhỏ trong tiêm vắc-xin thường có cảm giác lo sợ, quấy khóc, đặc biệt là các trẻ có tâm lý sợ bơm kim tiêm.

Ngoài ra, khi tiêm chủng cho trẻ cần tạo một môi trường thân thiện với các tranh ảnh, phim hoạt hình để thu hút sự chú ý của trẻ nhằm giảm tâm lý lo âu, căng thẳng khi tiêm.

Đặc biệt tại các điểm tiêm chủng nên bố trí phòng chờ cho trẻ thoải mái về tâm lý, tránh để trẻ trực tiếp nhìn thấy việc tiêm chủng cho trẻ em trước đó dễ gây ra các biểu hiện tâm lý trên.

Huyền Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc