3 thắc mắc về thị trường chứng khoán Trung Quốc

07:00 | 14/07/2015

2,456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự đổ vỡ “ngoạn mục” của TTCK Trung Quốc đặt ra ba câu hỏi. Thứ nhất, nguyên nhân nào gây ra tình trạng trên? Thứ hai, sự đổ vỡ này tổn hại như thế nào đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?  Và, cuối cùng nó ảnh hưởng gì tới chiến lược kinh tế của Trung Quốc?

Đó đều là những thắc mắc chung của những ai quan tâm đến cường quốc này vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để trả lời 3 câu hỏi trên thật không hề đơn giản!

Nếu bạn là nhà đầu tư tinh ý, đã có rất nhiều dấu hiệu về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Thị trường Thượng Hải đạt đỉnh điểm vào tháng 12. Đến đầu tháng 4, tức là một quí sau đó, giá đã giảm 10%.

3 thắc mắc về thị trường chứng khoán Trung Quốc
Số người có tiền chơi chứng khoán ở Trung Quốc không nhiều

Tình hình ngày càng xấu cho đến các tháng sau, giá cổ phiểu lao dốc bất thường. Thị trường Thâm Quyến nhỏ hơn, với các công ty công nghệ cao hơn (chỉ số Thâm Quyến Composite thường được ví như… Nasdaq), và cũng tổn thất chậm hơn. Tựu chung, khoảng 1500 tỉ USD đã biến mất chỉ 3-4 tháng sau khi đạt đỉnh hồi cuối 2014, và khoảng 3500 tỉ USD nếu tính đến giữa tháng 6.

Bề nổi, có lẽ bong bóng chứng khoán Trung Quốc đang bị “đâm” thủng theo cách… kinh điển. Đó là tâm lý đám đông, bầy đàn và hàng ngàn gói tín dụng giá rẻ được quảng cáo mỗi ngày. Trong các năm cao điểm trước, có những thời điểm chỉ số Thượng Hải Compsite tăng trưởng tới một con số không tưởng là 152%.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc: Hậm hực sinh hỗn loạn
Người dân Trung Quốc bán tháo BĐS vì chứng khoán?
Trung Quốc: Chứng khoán giảm đà rơi
Trung Quốc vừa mất trắng 2.300 tỷ USD

Cổ phiếu thường được mua bằng tiền vay từ các gói tín dụng giá rẻ. Bộ phận nghiên cứu của UBS - Thụy Sĩ, ước tính tín dụng của hệ thống ngân hàng TMCP “đứng chân” trên địa bàn trung Quốc đã cho vay ra khoảng 500 tỉ USD riêng năm 2014. Các nhà đầu tư săn lung blue-chips, đẩy giá lên cao chót vót và cuối cùng… vỡ.

Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện

Với nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nóng, giá cổ phiếu ở đây bị coi là… rẻ, tức là sức hấp dẫn rất lớn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có vẻ như đã sai lầm khi đánh giá thấp sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, thậm chí còn khuyến khích bằng cách nới lỏng tín dụng tối đa.

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng nóng của thị trường chính là vì các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Kể từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tiếp giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Lãi suất cho vay chủ chốt giảm 03 lần kể từ 11/2014 xuống còn 5,1%; lãi suất tiền gửi chủ chốt xuống mức 2,25%.

Ở chiều ngược lại, tăng trưởng TTCK lại không đi kèm với tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Trung Quốc đang nằm trong chu kỳ suy giảm kéo dài, bắt đầu từ 2010; trong khi giá cổ phiếu tăng tới 2 con số trong 5 năm trở lại đây mà không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

"Các nhà đầu tư ít tinh tế nhất... đã phải nhận trái đắng ngày hôm nay. Dòng tiền thông minh đã rời khỏi thị trường từ trước đó 4-5 tháng, ngay sau khi các chỉ số đạt đỉnh hồi cuối năm ngoái," một nhà phân tích người Trung Quốc dấu tên cho biết. “2/3 trong số các nhà đầu tư mới thậm chí chỉ là những người lao động tay chân. Họ chơi chứng khoán theo “mốt” và theo phong trào! Chất lượng nhà đầu tư cũng là một vấn đề lớn khác của thị trường”

Các nhà kinh tế đồng ý rằng, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán sẽ kéo con tàu Trung Quốc chạy chậm lại. Ảnh hưởng tức thì, là chi tiêu của người dân sẽ giảm sút bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố gia đình (dồn tiền để cứu người thân chót đốt tiền vào chứng khoán). Theo một số liệu đáng tin cậy, chỉ có khoảng 9% người dân thành thị (!?) chơi cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán đổ vỡ sẽ khiến một bộ phận lớn dân chúng thiệt hại nặng nề về tài sản. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng cầu tiêu thụ hàng hóa tại nước này, khiến nền kinh tế này càng thêm nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng đang suy giảm của Trung Quốc vì thế có thể giảm sâu hơn nữa.

Đối với thế giới, kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động đặc biệt mạnh đến những nước có liên hệ về chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu với cường quốc này (trong đó có Việt Nam). Hiện tại, Trung Quốc đang là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của Brazil, Nam Phi, Nhật Bản, Australia, Đức… và rất nhiều nước khác.

Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng “tai nạn” của thị trương chứng khoán có thể làm xói mòn niềm tin của người dân vào chính quyền Bắc Kinh. Nhu cầu về nguyên liệu của Trung Quốc đối sẽ giảm bớt trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu có thể bị gián đoạn bởi các doanh nghiệp Trung Quốc cắt giảm hoặc giãn sản xuất.

Song Lê

Năng lượng Mới