2013 - năm đột phá của ngành điện

06:44 | 21/01/2013

1,255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xác định 2013 là năm kinh doanh dịch vụ khách hàng và siết chặt kỷ luật kỹ thuật, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải tập trung cao độ ngay từ bây giờ để hoàn thành nhiệm vụ chính trị xã hội mà Chính phủ đã “quy hoạch” rõ ràng…

Khách hàng phải là trọng tâm

Trong hội nghị tổng kết ngành năm 2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải bám sát hơn nữa các giải pháp, mục tiêu của Chính phủ, tiếp tục nỗ lực để xử lý khẩn trương, triệt để những hạn chế, yếu kém như tình trạng quá tải, tổn thất điện năng, công tác kiểm tra, giám sát công trình, nội vụ…

Ngoài ra, ngành điện cần chú ý tới những nhiệm vụ quan trọng khác như vận hành thị trường điện cạnh tranh, tái cơ cấu ngành, tập trung vào yếu tố con người, từ đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, đến hình thành văn hóa và nhất là kỷ luật lao động.

Tâm sự cùng lãnh đạo chủ chốt toàn Tập đoàn về những vướng mắc, tồn tại, về những việc cần làm ngay trong năm 2013, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh trần tình, kỷ luật là vấn đề cực kỳ gai góc trong Tập đoàn Điện lực. Nhưng không vì thế mà lãnh đạo “bó tay” trước căn bệnh thờ ơ, vô trách nhiệm đang gặm nhấm thương hiệu EVN lâu nay.

“Đã đến lúc chúng ta phải ngồi lại, nhìn lại và nói rõ với nhau về cách tổ chức bộ máy từ Tập đoàn xuống cơ sở. Đằng sau những mệnh lệnh hành chính phải là kiểm tra, là đôn đốc, là chấn chỉnh. Chúng ta có vẻ chỉ hài lòng với việc ra văn bản chỉ đạo, mệnh lệnh hành chính một cách máy móc… mà không hề quan tâm đến đôn đốc, kiểm tra, nhận phản hồi, đánh giá. Việc một bộ phận các ông “quan” kỹ thuật ngồi thờ ơ khiến hệ thống tài sản của ngành bị khấu hao, ảnh hưởng đến sản lượng điện cuối cùng. Năm 2012, toàn Tập đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị - xã hội Chính phủ giao. Đó là động lực, cơ sở để lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn ngành nhìn vào tiếp tục phấn đấu, đưa nền công nghiệp điện phát triển bền vững như mong ước của người dân”, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh chia sẻ.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An cảnh báo, rất nhiều lưới điện, trạm biến áp, đường dây từ các cấp, các vùng đang không đáp ứng được yêu cầu cao nhất của kỹ thuật.

“Ví dụ như trong hệ thống truyền tải, phải tuân thủ chặt chẽ, không được phép quá tải trong tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, do xây dựng cơ bản chậm, nguồn vốn không thu xếp kịp để cải tạo lưới điện trung, cao áp hay lưới điện nông thôn... đã gây sức ép rất lớn lên lưới điện. Sự bất cập ấy không phải do ngành quản lý, vận hành gây ra, tuy nhiên chính công tác quản lý, vận hành lâu nay vẫn đang phải “gánh” những câu chuyện ngoài mong muốn như vậy. Chúng ta phải thừa nhận, khâu quản lý, vận hành khiến hệ thống điện lưới những năm vừa qua chỉ được vận hành ở mức an toàn chấp nhận được”, Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An cảnh báo.

Xác định năm 2013 là năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tiên EVN phải giải quyết từ những sự cố nhỏ nhất của hệ thống. Khi bóc tách những sự cố thống kê được, số liệu từ EVN cho thấy, sự cố hệ thống điện chiếm tới 18% (lưới, chất lượng, thiết bị…). Tuy nhiên, ngành điện cắt điện có kế hoạch trên toàn Tập đoàn là 65%, cá biệt có những đơn vị gây mất điện khách hàng do cắt điện ngoài kế hoạch lên tới 75%. Khi cắt điện một đường dây nhiều đơn vị quản lý, các đơn vị EVN ở nhiều địa phương không sắp xếp, phối hợp dẫn đến tình trạng tuần này cắt điện, tuần sau cắt, tuần sau nữa lại cắt.

“Chúng ta nghe rất nhiều phản ánh rằng, đất nước đủ điện tại sao cắt điện của tôi?! Các công ty điện địa phương có thể không nghe thấy những lời phàn nàn đó, nhưng ở Tập đoàn trên này chúng tôi rất nhức đầu vì phản ánh kiểu như vậy là xuất hiện hằng ngày”, ông An phân tích. “Khách hàng có thể chấp nhận giá điện hợp lý, giúp ngành điện thu bù đủ chi, tuy nhiên khách hàng không thể chịu được cảnh ngành điện cắt điện không thông báo trước, hoặc giá điện không minh bạch, công khai”.

Công khai, công khai và công khai

Xung quanh vấn đề hình ảnh của ngành điện đang cần được cải thiện, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hoàng Quốc Vượng đã công bố những số liệu cụ thể, qua đó thể hiện quyết tâm cao độ trong nỗ lực công khai, minh bạch giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, năm 2010, EVN lỗ sản xuất kinh doanh trên 8 nghìn tỉ  đồng, 2011 lỗ trên 3 nghìn tỉ và chỉ đến 2012, Tập đoàn này mới lãi trên 5 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, lỗ lũy kế do trượt giá, chênh lệch lên tới 26 nghìn tỉ đồng nên phần lãi của 2012 mới chỉ cân đối được cho năm 2011 và trả một phần lỗ trước đó. Trong một lần trao đổi cùng chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết, EVN gặp rất nhiều khó khăn với lỗ lũy kế do trượt giá từ 10 năm nay.

Năm 2012, giá bán điện bình quân toàn Tập đoàn ước đạt 1.361 đồng/kWh. Các đơn vị thành viên đã thực hiện hiệu quả và đúng quy định các lần điều chỉnh giá điện trong năm, thực hiện chặt chẽ hơn công tác quản lý giá bán điện đúng đối tượng, tiếp nhận bán điện lẻ trực tiếp đến các hộ dân nông thôn nên đã góp phần vào hoàn thành chỉ tiêu giá bán điện bình quân. Đáng chú ý, EVN đã đưa vào vận hành 7 tổ máy phát điện với tổng công suất 1.453MW. Trong đó, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, công suất 2.400MW đã khánh thành vào ngày 23/12/2012, vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao.

Giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng toàn Tập đoàn ước đạt 71.444 tỉ đồng, tăng 20,63% so với năm 2011, giá trị giải ngân cả năm 2012 ước đạt 70.721 tỉ đồng, bằng 95% kế hoạch. Trong năm 2012, EVN đã cơ bản thu xếp đủ vốn để thực hiện đầu tư các công trình nguồn và lưới điện trong kế hoạch năm 2012. Tập đoàn và các đơn vị đã ký được các hợp đồng vay trên 13.000 tỉ đồng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ưu đãi trong nước. Tổng nguồn vốn nước ngoài đã ký kết trong năm 2012 đạt 1,93 tỉ USD.

Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu: điện sản xuất và mua 130,53 tỉ kWh tăng 11% so với năm 2012, trong đó điện sản xuất của EVN là 26,23 tỉ kWh, điện mua 104,3 tỉ kWh (nhập khẩu Trung Quốc 3,6 tỉ kWh); tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 117 tỉ kWh, tăng 11,5% so với năm 2012; giá bán điện bình quân đạt 1.459 đồng/kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng là 8,8%, trong đó tỷ lệ tổn thất trên lưới truyền tải 2,3%, trên lưới phân phối 6,5%. Tiết kiệm trong lĩnh vực sử dụng điện tương đương 1,5% kế hoạch điện thương phẩm, trong đó phấn đấu đạt mức tiết kiệm 2% trên địa bàn miền Nam. Đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện với tổng giá trị thực hiện khoảng 106.605 tỉ đồng, trong đó: đầu tư thuần 75.973 tỉ đồng, tăng 39,65% so với năm 2012; trả nợ gốc và lãi vay toàn Tập đoàn 30.289 tỉ đồng... toàn Tập đoàn phấn đấu sản xuất và kinh doanh điện năng có lợi nhuận.

Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN Hoàng Quốc Vượng, việc công khai “tình trạng” thật của ngành điện sẽ là yếu tố tiên quyết giúp thời điểm phát điện cạnh tranh (1/7/2013) suôn sẻ và đúng định hướng hơn. Bên cạnh đó, công tác thu xếp vốn hoặc đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế cũng đơn giản và thuận lợi hơn rất nhiều.

Tùng - Kiên