100 ngày ông Donald Trump ở Nhà Trắng

07:15 | 07/05/2017

690 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 29-4 là đúng 100 ngày Donald Trump vào Nhà Trắng. Cũng như nhiều đời Tổng thống Mỹ trước đó, người ta thường tạm tổng kết những gì một vị tổng thống đã làm được sau cái mốc thời gian này. “Thay đổi đến chóng mặt” là cụm từ được báo chí quốc tế dùng để nói về những gì ông Trump đã thể hiện trong 100 ngày đầu tiên.  

Trước hết nói về mặt đối nội. Kể từ khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng, ông đã ký 32 sắc lệnh hành pháp, trong đó có 13 văn bản chỉ nhằm hủy bỏ những gì mà người tiền nhiệm đã làm. Ông xóa bỏ hơn 90 quy định ở cấp liên bang bị cho là kìm hãm nền kinh tế. Đầu tiên là sắc lệnh di trú, cấm công dân 6 quốc gia Hồi giáo đến Mỹ trong vòng 60 ngày. Sắc lệnh này đã sửa đổi một lần nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng do vấp phải sự phản đối của phía tòa án. Tiếp đến là quyết định hoãn hủy bỏ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare do thiếu sự đồng thuận của nội bộ đảng Cộng hòa. Sau thất bại này, 4 ngày trước khi ăn mừng 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin của Tổng thống Trump thông báo kế hoạch “cải tổ chính sách thuế khóa”, được xem là 1 trong 3 cột trụ của chương trình kinh tế trong nhiệm kỳ vừa mở hơn 3 tháng nay.

Mỹ hiện là quốc gia đánh thuế nặng nhất vào khu vực sản xuất trong số các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE). Để khắc phục nhược điểm này, chính quyền Trump quyết định hạ mức thuế đó đang từ 35% xuống còn 15%. Các công ty vừa và nhỏ được xem là hưởng lợi nhiều nhất trước viễn cảnh được miễn thuế lên tới 2.000 tỉ USD trong thời gian 10 năm theo như dự đoán của Trung tâm Nghiên cứu Tax Foundation.

100 ngay ong donald trump o nha trang

Theo báo Pháp, kế hoạch của Tổng thống Trump không dễ thuyết phục Quốc hội. Ông Trump có thể tặng cho các doanh nghiệp Mỹ "món quà" 2.000 tỉ USD, với điều kiện “tăng trưởng của Mỹ phải liên tục ở mức 3% một năm trong thập niên sắp tới”. Nhưng GDP của Mỹ trong quý I/2017 chỉ tăng 0,7%. Nhìn vào chi tiết kế hoạch giảm thuế của ông Trump, các chuyên gia thấy nhiều điều đáng sợ. Ưu tiên của chính quyền Trump là tạo ra việc làm, nhưng việc cải cách kinh tế ông đề nghị chưa chắc sẽ đạt mục tiêu đó vì nạn thất nghiệp hay tình trạng lực lượng lao động chưa được sử dụng hết không phải xảy ra do nhập siêu - mua nhiều hơn bán - mà do tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Khi năng xuất khu vực chế biến tăng khiến 1 người có thể làm bằng 3 người thì có 2 người bị đe dọa mất việc. Thứ nữa, biện pháp đánh thuế trên hàng nhập khẩu có thể gây phản ứng trả đũa từ các nước khác làm nhiều tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại khiến giới dân cử địa phương ngần ngại. Quan trọng nhất, đề nghị cải cách thuế vụ đang được thảo luận và ngã giá sẽ chi phối mọi người, mọi thành phần sản xuất của Mỹ và mọi quốc gia đang mua bán với Mỹ.

Liệu ông Trump sẽ thành công với kế hoạch cải cách thuế hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Qua những gì ông Trump đã làm kể từ khi bước vào Nhà Trắng cho đến nay, người ta có thể thấy ông đang thực hiện đúng những cam kết tranh cử, đó là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, bằng cách ngăn cản di dân bằng sắc lệnh, xây tường ngăn... Nhưng tất cả đều thất bại do nhiều lý do mà ông có thể dễ dàng thoát trách nhiệm. Chẳng hạn vụ sắc luật di trú ông có thể đổ tội cho tư pháp, dự luật thay thế Obamacare ông đổ lỗi cho phe Dân chủ, rồi sắp tới là dự luật cải cách thuế không biết ông sẽ kiếm cớ gì nữa. Rõ ràng cử tri không thể trách cứ ông nuốt lời. Đến giờ người ta mới nhận thấy, những tuyên bố giúp ông thắng cử và những gì ông làm là khác nhau, nhưng nó lại giống với cách mà nhiều đời tổng thống Mỹ trước đó vẫn làm.

Mặc dù tỏ ra không coi trọng cái mốc 100 ngày đầu tiên, nhưng tân chủ nhân Nhà Trắng vẫn cố chứng minh rằng trong giai đoạn nói trên, ông đã làm được nhiều việc hơn người tiền nhiệm. Trên Twitter, ông thanh minh: “Bất kể tôi làm được việc gì trong cái giai đoạn 100 ngày này - và tôi đã làm được rất nhiều việc - thì truyền thông vẫn hạ thấp tôi”. Nhà Trắng mở hẳn một trang thông tin về chủ đề 100 ngày và điều các sứ giả đi gặp truyền thông. Các cố vấn thân cận của ông Trump liên tiếp có những tuyên bố ca ngợi, như tổng thống đã nhanh chóng thực hiện các cam kết. Tổng thống Mỹ không giấu giếm là ông vừa làm vừa học việc và công khai thừa nhận rằng công việc của một vị tổng thống lại nặng nề đến như vậy. Phát biểu trên Reuters hôm 29-4, ông Trump nói: “Tôi yêu cuộc sống trước đây, có nhiều thứ chờ đợi tôi. Ở đây tôi phải làm việc nhiều hơn. Tôi tưởng làm tổng thống sẽ được thoải mái hơn”.

Thực ra, cái mốc 100 ngày cũng không quan trọng và những thành công và thất bại trong giai đoạn đầu tiên này không có ảnh hưởng gì nhiều đến phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Thế nhưng, sở dĩ cái mốc này làm cho Donald Trump khó xử bởi vì chính ông đã cam kết với cử tri Mỹ: hồi tháng 10 năm ngoái, tại Gettysburg, Pennsylvania, ông đã đưa ra một “kế hoạch hành động trong 100 ngày đầu tiên để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trên phạm vi quốc gia, tỷ lệ được lòng dân của tân Tổng thống Mỹ vẫn dao động trong khoảng 36% và 44%, mức thấp “lịch sử” đối với một vị tổng thống trong giai đoạn 100 ngày đầu tiên.

Về kinh tế đối ngoại, Tổng thống Trump đang dần nhận thấy rằng, tương tự như người tiền nhiệm Barack Obama, ông không thể đạp đổ tất cả để làm lại từ đầu. Lớn tiếng với Trung Quốc về kinh tế và thương mại, nhưng rồi, nếu có tranh chấp, chính quyền Trump sẽ phải giải quyết những bất đồng với Bắc Kinh trước Tổ chức Thương mại Thế giới. Điều này cũng tương tự với việc ông Trump làm rùm beng chuyện với Canada và Mexico để đòi rút khỏi khối tự do mậu dịch Bắc Mỹ, nhưng rồi mới đây lại tuyên bố quyết định ngưng rút khỏi mà chỉ đàm phán lại.

Về việc hủy Hiệp định TPP chỉ vài ngày sau khi bước vào Nhà Trắng của ông Trump, các chuyên gia cho rằng TPP mới chỉ ở giai đoạn ký kết chứ chưa đi vào vận hành nên tác động của TPP đối với kinh tế Mỹ là chưa thể đánh giá được.

Trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Donald Trump có những thay đổi “đến chóng mặt” trên nhiều vấn đề mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Với NATO, ông Trump cho rằng, tổ chức này đã không còn “lỗi thời” như tuyên bố lúc tranh cử. Hay như trong vấn đề Syria, Donald Trump từng khuyên Barack Obama không nên can thiệp, thì nay ông lại tung một chiến dịch oanh kích. Những hy vọng hòa giải được với Nga càng xa vời, không như những gì ông Trump đã hứa trong lúc tranh cử.

Với châu Á cũng vậy. Nếu như trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump chủ trương chủ nghĩa biệt lập, yêu cầu các nước châu Á đồng minh phải tự thân vận động, đóng góp nhiều hơn vào chi phí phòng thủ chung, thì nay giọng điệu cũng khác hẳn. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, có đến 3 nhân vật cao cấp của Mỹ đã đến châu Á gồm Phó tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng.

Tháng 11 tới, Tổng thống Donald Trump sẽ sang châu Á dự hàng loạt hội nghị quan trọng của quốc tế và khu vực. Chính quyền ông Trump rõ ràng đang hối hả tiến hành một kịch bản “xoay trục sang châu Á” khác với chính quyền tiền nhiệm Obama, mặc dù chỉ mới vào hồi giữa tháng 3-2017, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho hay chính sách tái cân bằng ở châu Á, còn được gọi là xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama “chính thức chấm dứt”.

S.Phương (tổng hợp)