100 năm nhân loại chống dịch cúm

07:00 | 28/03/2018

723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
2018 đánh dấu 100 năm xảy ra trận đại dịch cúm làm hàng chục triệu người tử vong. Ngày nay, nhân loại vẫn chưa tìm ra cách để chống lại bệnh cúm, do vậy, nguy cơ thế giới sẽ phải đối mặt với sự bùng phát của một trận đại dịch mới, dường như vẫn ở phía trước.

Đại dịch mới có thể đến bất kỳ lúc nào

100 nam nhan loai chong dich cum
Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ (FICR) Elhadj As Sy tại Diễn đàn Davos, Thụy Sỹ, tháng 1-2018

Năm 1918, một người lính đóng quân tại vùng Kansas (miền trung Hoa Kỳ) đã được đưa vào bệnh xá với các triệu chứng như sốt cao, đau nhức cơ bắp và đau họng. Trong vòng vài tháng sau đó, 1/3 dân số toàn cầu đã bị lây nhiễm bệnh. Chỉ trong vòng 2 năm sau đó, đã có khoảng 40-50 triệu người phải chết vì dịch cúm này, nhiều hơn số nạn nhân đã chết trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Theo lời kể của ông Richard Hatchett, Tổng giám đốc của Liên minh đối phó dịch bệnh (CEPI), chỉ riêng Ấn Độ đã mất đi 5% dân số do dịch bệnh cúm trong năm 1918. Đây là giai đoạn duy nhất trong lịch sử Ấn Độ có dân số giảm. 1 thế kỷ đã trôi qua, nhưng bí ẩn về loại virus đã gây ra cái chết cho hàng triệu người vẫn tiếp tục gây ám ảnh cho nhiều chuyên gia.

Các chuyên gia cảnh báo, ngày nay dịch cúm vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến toàn nhân loại, nhưng may mắn là so với trận đại dịch khủng khiếp đã xảy ra cách đây 1 thế kỷ thì các trận dịch mà thế giới đã và đang phải đối mặt không là gì cả. Nhưng hậu quả để lại từ các dịch cúm vẫn gây tổn thất nặng nề cho thế giới và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của toàn nhân loại. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không biết đến khi nào một trận đại dịch khác lại xảy ra.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thậm chí nếu không phát triển thành đại dịch, thì như thường lệ, các dịch cúm này mỗi năm cũng gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng cho khoảng 3-5 triệu người và làm cho 290.000-650.000 người trên toàn thế giới phải tử vong. Bên cạnh đó, nó còn để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chi phí cho việc chăm sóc y tế khi bùng phát dịch bệnh rất tốn kém, hơn nữa nhiều người sẽ phải nghỉ việc do bị lây nhiễm dịch bệnh.

Trong khi virus gây bệnh đậu mùa đã bị “tận diệt” thì tại sao virus cúm vẫn là một mối đe dọa? Theo lời giải thích của ông Vincent Enouf, thuộc Viện Nghiên cứu Pasteur tại Paris thì các virus cúm có khả năng biến đổi rất lớn: để sống sót, chúng buộc phải biến đổi và tiến hóa để thích nghi.

Có 4 chủng virus chính gây bệnh cúm là: A, B, C và D (chủng cuối cùng chủ yếu chỉ gây ảnh hưởng đến gia súc). Các dịch bệnh theo mùa thường do virus chủng A và B gây ra. Chủng virus đầu tiên được chia thành nhiều dòng virus khác nhỏ hơn, trong đó có 2 loại virus thuộc chủng H1N1 và H3N2, hiện chỉ lây nhiễm ở người. Virus chủng B thì được chia thành 2 dòng chính là virus Yamagata và Victoria. Mỗi loại virus có thể được chia thành nhiều chủng khác nhau và tất cả chúng đều cần có vắc-xin để phòng ngừa.

Bà Sylvie Briand, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của WHO nhấn mạnh: “Chúng tôi biết dịch bệnh sẽ đến, nhưng chúng tôi hiện vẫn chưa có cách nào để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh này. Cúm là loại virus có thể dễ dàng lây lan qua đường hô hấp và người ta bị lây nhiễm trước khi có các biểu hiện bệnh. Do vậy, không dễ gì kiểm soát”.

Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ (FICR), Elhadj As Sy cho biết: “Trong 3 năm qua, dịch Ebola đã bùng phát tại Tây Phi và Nam Mỹ phải đối phó với dịch Zika và gần đây nhất Madagascar đã phải trải qua một trận dịch hạch kinh hoàng”. Tiến sĩ Briand nói: “Con người ngày càng dễ bị tổn thương trước các dịch bệnh bởi vì họ ngày càng kết nối với nhau nhiều hơn và việc di chuyển của họ cũng đã trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều. Chính điều này đã tạo điều kiện cho virus lây lan”. Ông Richard Hatchett cho biết: “Chúng tôi vẫn đang giải quyết hậu quả để lại từ sau trận dịch virus Zika”. Bùng nổ vào cuối năm 2015 tại Nam Mỹ, loại virus này đã gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho bào thai.

Tương tự như dịch Ebola, bệnh sốt xuất huyết cũng đã giết chết hơn 11.000 người tại Guinee, Liberia và Sierra Leone trong năm 2014 và 2015.

Hậu quả không chỉ là nhân mạng

Mỗi một trận dịch không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về nhân mạng, mà còn cả vấn đề tài chính. Theo ông Richard Hatchett, vào năm 2015, hàng trăm trường hợp nhiễm MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) đã khiến Hàn Quốc chịu thiệt hại tới 10 tỉ USD.

100 nam nhan loai chong dich cum
Tiêm vắc-xin ngừa cúm ở Pháp

Tháng 2-2017, tỷ phú người Mỹ Bill Gates cho biết: “Chi phí tổng cộng để dự phòng một trận dịch là khoảng 3,4 tỉ USD/năm. Thiệt hại sẽ còn lên tới 590 tỉ USD nếu như không có sự chuẩn bị kỹ càng”.

Trong năm trước, tại Diễn đàn kinh tế giới Davos, nhà sáng lập Microsof đã trở thành một trong những người bảo trợ cho tổ chức Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) với ngân sách khoảng 700 triệu USD.

Người đứng đầu WHO cũng cho biết, có rất nhiều rủi ro khi phát triển một loại vắc-xin phòng virus mới, công việc này cũng tốn rất nhiều thời gian, mất 4-6 tháng. Ông Peter Piot, Giám đốc Sở Vệ sinh và Y học nhiệt đới London cho biết thêm: “Chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin mới cũng rất đắt đỏ, khoảng 100-200 triệu USD, bởi vì cần phải làm rất nhiều thử nghiệm thuốc”. Và đây không phải là động lực của các phòng thí nghiệm dược phẩm nghiên cứu. Theo ông Richard Hatchett, sẽ không có thị trường thương mại cho các sản phẩm này cho đến khi dịch bệnh bùng phát, nhưng lúc đó thì đã quá muộn rồi vì làm gì có vắc xin để mà ngăn chặn dịch.

Làm sao đẩy lùi được dịch cúm?

Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra khi một trận đại dịch cúm bùng phát là sự xuất hiện một loại virus cực độc mới, truyền bệnh từ người này sang người khác. Loại virus này là biến thể của các chủng virus truyền bệnh ở người và ở động vật. Chim là động vật trung gian truyền bệnh chính của các loại virus gây bệnh cúm này.

Theo ông David Evans thuộc trường Đại học St Andrews thì mỗi năm, mỗi thế kỷ và có thể là mãi mãi, nhân loại sẽ luôn phải đối phó với các trận dịch cúm với các chủng virus mới. Theo Wendy Barclay, chuyên gia về cúm ở Imperial College London dự đoán: "Sẽ có một đại dịch nữa xảy ra. Mức độ nguy hiểm và số lượng người có thể tử vong trong đại dịch này sẽ phụ thuộc vào bản chất của loại virus gây bệnh”.

Trái ngược với trận đại dịch năm 1918, ngày nay người ta đã nghiên cứu ra các loại kháng sinh để điều trị các bệnh về nhiễm trùng nguy hiểm chết người, do virus cúm gây ra (như bệnh viêm phổi và viêm phế quản). Tuy nhiên, bà Barchay cũng lo lắng rằng: “Dù thế nào thì các thiệt hại gây ra từ các căn bệnh này cũng rất nghiêm trọng”. Do vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là: Bằng cách nào để chúng ta dành chiến thắng trong cuộc chiến chống bệnh cúm? Đã từ rất lâu rồi, cộng đồng y tế luôn mơ ước về một loại vũ khí “tuyệt đối”, một loại vắc xin tổng quát có hiệu quả đối phó với bất kỳ chủng virus nào. Nhưng điều này chỉ có trong khoa học viễn tưởng mà thôi.

Theo nhà nghiên cứu về virus, Jonathan Ball, thuộc Đại học Nottingham, hiện nay chúng ta đã nghiên cứu được rất nhiều loại vắc-xin dành cho nhiều chủng virus khác nhau. Nhưng chúng ta không biết liệu loại vắc-xin nào sẽ thật sự có hiệu quả. Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều về loại virus cúm này và cũng hiểu rất rõ về nó. Nhưng từ đó, chúng tôi cũng biết một điều là chủng virus này thật sự rất khó kiểm soát”.

Đã từ rất lâu rồi, cộng đồng y tế luôn mơ ước về một loại vũ khí “tuyệt đối”, một loại vắc-xin tổng quát có hiệu quả đối phó với bất kỳ chủng virus nào. Nhưng điều này chỉ có trong khoa học viễn tưởng mà thôi.

D.H