10 năm cuối đời của Giang Thanh (Kỳ 3)

15:45 | 28/05/2015

3,966 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giang Thanh quyết định đưa hình tượng Mao ra làm cái ô bào chữa cho mình.

>> 10 năm cuối đời của Giang Thanh (Kỳ 2)

>> 10 năm cuối đời của Giang Thanh

Sau khi Giang Thanh làm náo động phiên tòa trong thời gian Liêu Mạt Sa đứng ra làm chứng, bà ta hỏi người lính gác tù: “Trong tivi, thấy tôi như thế nào? Họ không chút động lòng, theo các anh như vậy nghĩa là thế nào? Các anh không xem à?”. Khi chờ phiên tòa sau, Giang Thanh quyết định đưa hình tượng Mao ra làm cái ô bào chữa cho mình.

- Thưa ông Giang Hoa, tôi có thể hỏi một việc được không? - Qua cặp kính gọng kim loại, Giang Thanh nhìm chằm chằm vị chánh án. Ông hơi sững người, rồi lấy lại bình tĩnh ngay.

- Được chị cứ hỏi.

- Liệu tòa án có phải là pháp trường không? - Giang Thanh như một luật sư chất vấn nhân chứng - Lần trước cảnh sát làm trẹo cánh tay của tôi, tôi bị chấn thương. Hiện giờ tay phải của tôi không nâng lên được nữa.

Các quan tòa đứng ngồi không yên. Giang Thanh nói tiếp:

- Ông Giang Hoa, ông biết đấy, tôi tôn trọng tòa án, thế nhưng các ông lại không cho tôi được nói. Khi các ông ngăn chặn tôi, thì mọi người lập tức reo hò hưởng ứng, coi là vũ khí chống tôi. Đó là một kiểu các ông đối xử với tôi.

- Giang Thanh nghe đây!

10 năm cuối đời của Giang Thanh (Kỳ 3)

Giang Thanh tại phiên tòa

- Vâng, tôi xin nghe. Đó là tiếng nói của người đàn bà chanh chua đanh đá, nhưng cuộc đời bà hầu như được mô tả như một con người đầy sức sống và dư thừa năng lượng. Tiếng nói đó chậm rãi, đôi lúc lại thao thao bất tuyệt, đôi khi hổn hển, bà ta lắc lư cái đầu và tựa vào thành ghế, hai chân duỗi thằng về phía trước, khi bà ta nói, tay phải bà ta vung lên, chém xuống để nhấn mạnh.

Giang Thanh nói:

- Trong Đảng có rất nhiều việc mà một số các ông ở đây không biết được. Các ông thấy đấy, năm tháng đó, Đảng Cộng sản đã làm biết bao việc gây oan trái cho các ông và bây giờ các ông trút hết tất cả lên đầu tôi. Trời! Tôi khác nào như người khổng lồ ba đầu sáu tay, làm nên mỗi kỳ tích. Tôi chỉ là một người lãnh đạo trong Đảng, đứng về phía Mao Chủ tịch. Bắt tôi, xét xử tôi, chính là vu cáo và bôi nhọ Chủ tịch Mao Trạch Đông!”.

Giang Thanh cười lạnh lùng tiếp:

- Đã không cho tôi nói, sao các ông không đặt một vị Bồ Tát bằng đất sét ngồi thay vào ghế của tôi?

Mọi người dự phiên tòa cười ồ. Giang Thanh xua xua tay về phía hội trường gào lên: - Lúc đó các người ngụ ở đâu?

Mọi người lại cười dữ hơn.

Giang Thanh sau đó ném ra một quả hỏa mù - Tôi xin nói với các ông một điều. - Bà ta tuyên bố với cả phiên tòa khi đã yên ắng trở lại:

Buổi tối hôm đó, Mao Chủ tịch viết cho Hoa Quốc Phong: “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm. Gặp khó khăn gì, hỏi Giang Thanh”.

Kết cục, phiên tòa rối cả lên. Trong lúc ồn ào, Giang Thanh nói năng chẳng kiêng nể ai. Tiếng chuông rung, Giang Thanh một lần nữa bị điệu ra khỏi hội trường.

Cuộc đời tù đày hỗn loạn (1981-1990)

Ngày 25-1-1981, mười tên tội phạm xếp hàng ngang trước phiên tòa đặc biệt, tất cả dỏng tai nghe tòa tuyên án. Trương Xuân Kiều và Giang Thanh bị kết án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm. Còn những người khác mức án nhẹ hơn.

Sau một tuần, Bành Chân tới nhà tù Tần Thành thăm Giang Thanh. Bà ta nêu hai đề nghị: Một là, được viết hồi ký; Hai là, được gặp Đặng Tiều Bình và Hoa Quốc Phong. Bành Chân cười đáp: Quốc vụ viện không phản đối điều đó. Theo những người vào nhà tù thì trong ba ngày, bà ta có thể làm xong một con búp bê rất đẹp. Bà ta vừa khâu búp bê vừa hát, bà ta thích nghe bản tin trên đài phát thanh, khi ăn cơm, thích tán chuyện với các nữ cai ngục.

Từ cuối năm 1981 đến đầu 1982, Giang Thanh trở nên ương ngạnh. Bà ta từ chối viết kiểm điểm mỗi tháng một lần. (Vương Hồng Văn ở nhà tù khác thường viết kiểm điểm vượt yêu cầu). Bà ta bắt đầu viết kháng nghị trên tường nhà giam. Một hôm, bà ta viết: “Không sợ mất đầu”. Lính gác tù phải rửa dòng chữ đó.

Ở Bắc Kinh và Sơn Đông đã xuất hiện truyền đơn từ phòng giam của Giang Thanh tung ra. Trên những tờ truyền đơn, Giang Thanh biện hộ cho Đại cách mạng văn hóa, nói là mình luôn đi theo Mao Chủ tịch. Bà ta còn tuyên truyền Đảng Cộng sản của Đặng Tiểu Bình đã đi ngược lại đường lối này. Bà ta thề sẽ phải ra tay để cứu vớt Trung Quốc.

Mùa hè năm 1982, trong thời gian trù bị triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 Đảng Cộng  sản Trung Quốc, Giang Thanh đã gửi thư cho trung ương. Bà ta đòi phát biểu tại hội nghị.

10 năm cuối đời của Giang Thanh (Kỳ 3)

Vợ chồng Giang Thanh - Mao Trạch Đông thời gian khó

- Tôi muốn tranh cãi công khai với Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang về các vấn đề đường lối, phương châm, chính sách của Đảng. Nếu không tôi chết cũng không nhắm được mắt,

Trả lời phỏng vấn của một phóng viên Hồng Kông, một quan chức Bộ Công an nói, bà ta sống tốt, chúng tôi không đối xử với bà ta như bà ta đã đối xử với chúng tôi. Bà ta có thể đọc sách, xem tivi, nghe đài tùy thích.

Mùa xuân năm 1984, Lý Nạp 45 tuổi và đã ly hôn, tới nhà tù Tần Thành thăm mẹ mình, chị nói với mẹ về dự định tái hôn. Giang Thanh hỏi:

- Người ấy có biết con là ai không? Lý Nạp đáp: - Bạn trai con là Vương Cảnh Thông ở quân đội, rất thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nhà mình. Giang Thanh mỉa mai chua xót: Con bây giờ có hai thân phận - vừa là con Mao Trạch Đông - người thầy Cách mạng vô sản, vừa là con gái của Giang Thanh - một kẻ phản cách mạng lớn nhất.

Giang Thanh cố sức nghĩ cách đóng một vai gì đó trong cuộc hôn nhân đại sự của Lý Nạp, song chẳng giúp được gì. Sự bao dung ngạo mạn của Giang Thanh chẳng mấy chốc bộc lộ, Bà ta vui vẻ nói với con gái: - Lần sau dẫn anh ấy đến chơi, chúng ta cùng  ăn bữa cơm.

Là con gái Giang Thanh, cuộc sống của Lý Nạp rất khó khăn. Song ở thời kỳ Đặng Tiểu Bình, Lý Nạp khá hơn nhiều so với trước. Vương Cảnh Thông đã từng công tác ở Trung  đoàn Cảnh vệ Trung ương. Khi cưới Lý Nạp, họ đã nhận được quà tặng của Dương Thượng Côn gồm một hộp kẹo và chiếc drap trải giường. Dương Thượng Côn đã từng phụ trách Văn phòng Trung ương. Từ năm 1987, làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Năm 1984, Giang Thanh đã nói một số lời lẽ hay về Đặng Tiểu Bình và những người lãnh đạo khác. Suốt 8 năm bà ta bị bắt, đó là lần đầu tiên bà ta nói tốt về đối thủ của mình và những người thừa kế giữa thập niên 80.

Giang Thanh phân trần:

- Tôi già rồi, chẳng làm gì được nữa. Tôi nghĩ, tốt nhất là hãy đưa tôi đi thi hành án. Mao Chủ tịch cũng không giam ai lâu như thế bao giờ. Nếu như được ra tù, tôi muốn được về lại trong căn phòng cũ ở Trung Nam Hải, ở đó không khí trong lành. Nghe khẩu khí ấy cảm tưởng dường như bà ta vẫn còn là Đệ nhất phu nhân của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vậy.

10 năm cuối đời của Giang Thanh (Kỳ 3)

Ảnh Giang Thanh thời hoàng kim trên bìa tạp chí Time

Lời thỉnh cầu đó đã gây hai luồng phản ứng khác nhau rõ rệt trong giới lãnh đạo. Một số người cho rằng, nếu thả bà ta ra và thay bằng một kiểu giam lỏng nào đó ở Trung Nam Hải là nơi khá an toàn hơn cả chính nhà bà ta hoặc một nơi nào đó ở Bắc Kinh… Một số người khác thì lại cho rằng, để bà ta ở nơi trung tâm quyền lực chính trị thì khác nào “thả hổ về rừng”.

Sau khi những đòi hỏi vô lý bị cự tuyệt, Giang Thanh tuyệt vọng dùng bút vạch lên cổ…

Đối với Giang Thanh, thời gian ngày một ngắn dần đi mà cuộc đời bà thì vẫn lơ lửng bên ngoài lịch sử của thời Đặng Tiểu Bình. Khi Trung Quốc đang vững bước tiến lên phía trước, còn Giang Thanh thì vẫn bình lặng, dậm chân tại chỗ. Trong cuộc đời của Giang Thanh, nửa cuối thập niên 80, có thể là thời kỳ bà ta đọc sách nhiều nhất. Hầu hết số sách đều lấy từ thư viện có chừng 1 vạn quyển của bà ta do Lý Nạp mang tới - những sách này hiện giờ còn chất đống ở nhà Lý Nạp. Nửa cuối thập niên 80, dường như tinh thần tạo phản của Giang Thanh lại muốn trỗi dậy.

Sức khỏe của Giang Thanh ngày một sút kém. Bị bắt giam đã 12 năm. Những người ủng hộ trước đây không có được thông tin, sự động viên cổ vũ. Bản thân bà ta cũng không có dấu hiệu có thể trở lại ngôi quyền lực. Tháng 12-1988, nhân 95 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông, Giang Thanh đề nghị được tổ chức đoàn tụ gia đình để kỷ niệm ngày này, nhưng lời đề nghị đó bị cự tuyệt. Được tin Giang Thanh uất ức, uống liền 50 viên thuốc ngủ.

Cuối tháng 3-1989, Giang Thanh đã hết thời hạn giam lỏng và trở lại nhà tù. Để điều trị ung thư vòm họng, bà ta thường đi lại giữa nhà tù và bệnh viện trên chiếc xe chở hàng nhỏ. Bác sĩ đề nghị cắt đi một phần họng, Giang Thanh từ chối phắt, bà ta sợ vì thế mà sẽ không nói được nữa.

Tháng 11-1989, giới lãnh đạo Trung ương đã quyết định cho phép Giang Thanh được khôi phục chế độ giam lỏng. Nghe vậy, Giang Thanh liền đề xuất, hoặc về nơi ở cũ của Mao, hoặc về nơi ở của bà ta hồi những năm 70 là nhà số 17 Điếu Ngư Đài. Cả hai đều bị cự tuyệt, Giang Thanh lại lấy bút vạch lên cổ, chứng tỏ rằng bà ta có ý định tự sát. Văn phòng Trung ương đành tìm cho bà ta một tòa nhà hai tầng ở gần Tửu Tiên Kiều và có lính gác ở cùng canh giữ.

Mùa hè năm 1990, Tạp chí Huaya đưa tin bài của Giang Thanh, nói rõ bà ta không hề hối hận về vai diễn của mình trong Đại cách mạng văn hóa.

Trên các vấn đề cơ bản, Giang Thanh không hề hối cải. Tháng 7-1990, trong một công văn bí mật lưu hành nội bộ phóng viên “Nhân dân nhật báo” nói: “Giang Thanh vẫn bí mật theo dõi diễn biến chính trị và sự thay đổi các nhân vật chính trị”. Đặc biệt, người cung cấp tin còn nhấn mạnh: “Dã tâm cùa bà ta chưa chết”. Trước đó không lâu, Giang Thanh nói với người nữ cai tù:

- Mười năm sau, chị sẽ được thấy, đường lối cách mạng của Mao Chủ tịch sẽ trở lại. Những người cách mạng chân chính sẽ nắm chính quyền trở lại.

Rõ ràng, Giang Thanh là hiện thân của chủ nghĩa cá nhân. Bà ta muốn để lại cho mọi người xung quanh những dấu ấn về mình, không chỉ riêng vấn đề hôn nhân. Thế nhưng là một nhân vật chính trị cao cấp, Giang Thanh không thể tồn tại nếu tách rời khỏi Mao. Còn giờ đây, bà ta muốn đi theo Mao, về điểm này, việc tự sát của Giang Thanh có thể còn mang theo sự thỏa mãn ở một mức độ nào đó.

Kết thúc

Cuộc đời của Giang Thanh là một chuỗi những bi hài kịch. Từ diễn viên hý kịch bà cũng gặt hái được khấm khá. Bà xuất thân từ một gia đình thợ mộc thuộc miền quê Sơn Đông, không chịu chết dí ở quê nuôi gà, chăn lợn và lấy một chàng trai quê mùa làm chồng, cho dù chàng trai đó sau giải phóng sẽ trở thành một cán bộ xã đi chăng nữa. Bà ta đã từng mơ mộng, đã từng phấn đấu, hơn thế nữa đã từng mở toang cánh cửa cuộc đời, để rồi lại chính bà ta đóng đánh sầm cánh cửa đó lại.

V.H

(Theo Giang Thanh toàn tập)