1 vạn người Việt Nam mới có 1 luật sư

09:56 | 07/10/2015

1,414 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Nghề luật sư từng có thời gian dài “ngủ đông”. Ngành nghề này mới chỉ quay lại thực thụ khoảng hơn 10 năm nay. Dù vậy, hiện cả nước mới có khoảng 9.000 luật sư. Như vậy, với dân số 90 triệu dân thì tỷ lệ một vạn người mới có một luật sư”, Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2015), Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) để hiểu thêm về công việc mang tính đặc thù này.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, nghề luật sư ở Việt Nam có từ thời kỳ Pháp thuộc, ban đầu chính quyền đô hộ có đào tạo một số người Việt trở thành luật sư, để phục vụ mục đích cai trị.

o viet nam mot van nguoi moi co mot luat su

Luật sư Trương Anh Tú.

Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bác Hồ đã ký sắc lệnh về luật sư. Đến năm 1984 nhà nước tiến hành thí điểm trở lại hoat động của luật sư. Đầu tiên là đoàn luật sư TP Hà Nội được thành lập năm 1984. Vào năm 1987 Pháp lệnh luật sư được ban hành, cho phép mở đoàn luật sư trên toàn quốc…

Đến năm 2001, khi Pháp lệnh mới về luật sư được ban hành, điểm mới nhất là “tư nhân hóa luật sư” – luật sư được hoạt động tự do, không còn phụ thuộc vào các sở tư pháp, hay tòa án. Đây là một cơ hội để bùng nổ nghề luật sư như chúng ta đã thấy như hiện nay.

Đến năm 2006 Luật Luật sư được ban hành. Năm 2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra đời – đây cũng là liên đoàn luật sư đầu tiên của người Việt.

Kể từ thời điểm năm 2013, Chính phủ đã công nhận ngày 10/10 hằng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.

Nói về thực trạng của nghề luật sư trong gia đoạn hiện nay, Luật sư Trương Anh Tú cho hay: Hiện cả nước có khoảng 9000 luật sư và hàng nghìn người tập sự nghề. Trong một đất nước 90 triệu dân, chỉ có 9000 luật sư là ít, tỷ lệ 1 vạn người mới có một luật sư.

Thực chất tỉ lệ luật sư còn ít hơn nhiều vì có những người mặc dù được cấp thẻ là luật sư, nhưng lại chỉ hoạt động trong các cơ quan đoàn thể, các phòng pháp chế của doanh nghiệp… chứ không hoạt động nghề một cách đúng nghĩa.

Điều này khiến nghề luật hiện nay còn phải cố gắng rất nhiều mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước, trong lĩnh vực tư pháp cũng như trong lĩnh vực thương mại, kinh tế quốc tế.

Nghề Luật sư đang gặp phải nhiều khó khăn

Thứ nhất, thực tế nghề luật sư từng có thời gian dài “ngủ đông”, mới chỉ quay lại thực thụ khoảng hơn 10 năm nay. Một ngành nghề gì đó “bị cất” giữ khoảng 50 năm thì cần phải có quá trình dài để những tiềm năng và những kinh nghiệm được đem ra sử dụng lại một cách thuần thục.

Thứ hai, hiện phần nhiều người dân, vẫn không có thói quen mời luật sư trong các giao dịch kinh tế dân sự, ví dụ như thành lập doanh nghiệp; mua bán nhà cửa; lập di chúc; đòi nợ…

Thứ ba, các tài liệu về hoạt động luật sư cũng rất chắp vá. Thời Pháp thuộc, luật sư được học nghề luật theo các đào tạo của người Pháp. Về sau, có một lớp chuyên gia luật được đào tạo ở Liên bang Xô viết cũ.

“Đến nay, chúng ta được tiếp thu những tiến bộ của luật pháp thế giới, thông qua số du học sinh được đào tạo ở các nước phương Tây, và có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức tại Việt Nam bởi các đoàn Luật sư nước ngoài như Pháp; Na Uy; Thụy Điển; Nhật Bản… Đây là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm về nghề luật sư, cũng như xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện tại”, Luật sư Trương Anh Tú cho hay.

Luật sư Trương Anh Tú cũng nhấn mạnh vai trò của Luật sư rất quan trọng trong việc đảm bảo trật tự kỷ cương chung trong xã hội. Bởi lẽ, luật sư tư vấn cho đương sự cách hành xử đúng ngay từ đầu trong các quan hệ dân sự xã hội, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Giúp họ tránh khỏi việc vì thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật.

Mặt khác, luật sư cũng góp ý phản biện cho Quốc hội trong việc xây dựng hệ thống pháp luật; Góp ý cho Chính phủ; các Sở ban ngành; cơ quan đoàn thể về các vấn đề ứng xử liên quan đến pháp luật. Đồng thời cũng giúp cho Nhà nước trong việc giải quyết những tranh chấp về công pháp cũng như tư pháp, ví dụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển Đông bằng những chứng cứ pháp lý.

Thực tế, càng những quốc gia phát triển, văn minh thì tỷ lệ luật sư trong cơ cấu dân số càng lớn.

Do vậy, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, để người dân nghèo được tiếp cận với luật sư nhiều hơn thì các văn phòng luật sư cần phải giảm giá thành, bình dân hóa dịch vụ, chuyên nghiệp hóa dịch vụ để người dân dễ tiếp cận.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần thành lập thêm các trung tâm hỗ trợ pháp lý để trợ giúp người dân trong các vấn đề tranh chấp pháp lý.

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc